Cái tên Hiếu 'ốc bươu đen' cùng trại nuôi ốc của anh được nhiều người biết đến. Nhưng ít ai hay, trước khi kiếm lời được hàng trăm triệu mỗi năm, anh Hiếu từng thất bại liên tiếp.
Anh Trần Công Hiếu (SN 1993, ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) từng là kĩ sư cầu đường. Tuy nhiên, khoảng nửa sau năm 2019, khi đang làm dự án bên Lào thì dịch Covid -19 ập đến, anh bị thất nghiệp. Cảnh chôn chân ở nhà khiến anh vô cùng ngột ngạt.
Xung quanh nhà anh Hiếu là đồng ruộng, quanh năm trồng lúa nước nhưng năng suất không cao. Qua mạng xã hội, anh biết đến mô hình nuôi ốc bươu đen. Tham khảo nhiều tài liệu, anh nhận thấy trên địa bàn tỉnh chưa ai nuôi loài này. Sự tò mò và ý nghĩ muốn trở thành người tiên phong nuôi ốc ở địa phương càng thôi thúc anh bắt tay vào nuôi ốc bươu đen làm thương phẩm.
Tháng 9/2019, anh Hiếu thử nghiệm nuôi ốc trong ao bạt. Nhưng 3 lần liên tiếp anh đều thất bại. Chỉ sau một cơn mưa to, những con ốc chết nổi la liệt trên mặt hồ. Số ốc trong ao chết nhanh chóng mà anh không hiểu tại sao.
Trong vòng hai tháng, anh Hiếu mất trắng hàng chục triệu đồng. Mọi người xót cho số tài sản bị thiệt hại nên khuyên anh nên quay lại nghề cầu đường. Tuy nhiên, anh quyết không bỏ cuộc.
Anh Hiếu lặn lội khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam để tham quan mô hình và hỏi han những người có kinh nghiệm. Anh nhận ra, nuôi ốc trong ao bạt khiến ốc chậm lớn và dễ nhiễm bệnh.
Trở về nhà, anh Hiếu mang theo kiến thức và hàng vạn con ốc giống. Lần này, anh quyết tâm cải tạo đất làm ao nuôi.
Cuối năm 2019, anh Hiếu đến UBND xã xin chuyển đổi 1 sào đất của gia đình và 5 sào đất trồng lúa thuê của hàng xóm để nuôi ốc. Được chính quyền đồng ý, anh vay ngân hàng 80 triệu đồng thuê máy móc cải tạo 6 sào đất thành 7 ao, thả nuôi 3 vạn con ốc bươu đen.
Mỗi ngày, anh Hiếu cho ốc ăn hai lần. Thức ăn chủ yếu là quả bí ngô, quả bầu, rau xanh. Ngày ngày lội ra ao chăm ốc, anh nghiên cứu về tập tính của loài ốc bươu đen từ đó tích lũy được kinh nghiệm nuôi ốc.
Theo anh Hiếu, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của việc nuôi ốc. Thời điểm nuôi ốc thích hợp là từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Mùa nắng, anh ưu tiên trồng các loại cây thủy sinh để điều hòa nguồn nước, giảm độ nóng cho ao. Ngoài ra, anh che chắn thêm lưới để tránh nắng.
Mùa lạnh, anh tháo nước trong hồ để giảm độ lạnh, tăng độ che phủ, tạo điều kiện tránh trú cho ốc.
Chỉ sau 3 tháng, anh Hiếu bán được 30kg ốc từ lứa đầu tiên và giữ lại được khối lượng lớn ốc to (ốc bố mẹ) để sau này lấy trứng. Từ trứng được ấp cho ra ốc giống để tiếp tục vòng đời mới của ốc.
Mọi thứ khá thuận lợi, sau vài tháng, anh Hiếu xuất bán 2 tạ ốc bươu với giá 100.000 đồng/kg. Cứ sau mỗi vụ, anh lại tiếp tục giữ lại số ốc to đẻ trứng đem ấp lấy ốc con nhằm giảm chi phí mua ốc giống.
Tưởng chừng mọi thứ đã êm đẹp. Thế nhưng, cuối năm 2020, trận lũ lịch sử làm nước tràn vào khiến ốc trong ao của anh Hiếu chết sạch. Mùi hôi tanh bốc lên khắp các hồ.
Một lần nữa, anh Hiếu lại phải thuê máy múc, cải tạo hồ nuôi. Không phụ tâm huyết của anh, các ao nuôi ốc đã lần lượt cho thu nhập tốt.
Từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi năm, anh Hiếu xuất bán sỉ 2 tấn ốc cho các đầu mối trong tỉnh. Trừ chi phí, anh lãi 200 triệu đồng. Lượng ốc anh nuôi hiện không đủ xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn.
Anh Hiếu chia sẻ: “Là người trẻ khởi nghiệp, chưa có kinh nghiệm, tôi đã liên tiếp mất trắng hàng chục triệu đồng. Đây là học phí mà ai cũng cần trải qua để trưởng thành hơn. Dù rất buồn nhưng tôi luôn tìm cách vay vốn để cố gắng thêm lần nữa.
Từ khi nuôi ốc, tôi vừa có thêm thu nhập vừa có thời gian được ở bên gia đình. Gia đình cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình nuôi và thu hoạch ốc. Tôi đang tính toán để sau này có thể sản xuất các sản phẩm chế biến từ ốc nươu để cung cấp cho thị trường”.
Lãnh đạo UBND xã Cam Thủy đánh giá, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Hiếu không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh mà còn là hướng đi mới cho các hộ nông dân trên địa bàn.