Tại thời điểm đó, đây là lễ duyệt binh đầu tiên và lớn nhất kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sáng ngày 7/5, Lễ duyệt binh Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã long trọng diễn ra. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa, tầm vóc, giá trị to lớn. Lễ diễu binh, diễu hành năm nay có sự tham gia của khoảng 12.000 người, gồm tất cả các lực lượng của quân đội, dân quân tự vệ và công an, các ban ngành, đoàn thể xã hội.
Ngược dòng lịch sử, hơn 69 năm về trước, cuộc duyệt binh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 1/1/1955. Cuộc duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình - nơi được mệnh danh là "trái tim của dân tộc" đã đánh dấu sự kiện lớn đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bấy giờ, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Genève chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Hiệp định Genève đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Lễ duyệt binh thu hút lực lượng lớn trong quân đội, công an, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, tri thức, thiếu nhi cả nước và khách quốc tế tham dự. Bấy giờ, đây là Lễ duyệt binh đầu tiên và lớn nhất kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt hơn là vào đúng thời điểm kỷ niệm 10 năm lập quốc.
Trong cuộc duyệt binh này, ngoài các lực lượng vũ trang còn có sự xuất hiện của xe cơ giới cùng pháo mặt đất và pháo phòng không. Sự kiện lịch sử này được các nhà quay phim Liên Xô ghi lại và sau này, Đài Truyền hình Việt Nam mua lại bản quyền để phát sóng.
Đoàn quân bồng súng, mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc lưới ngụy trang, chân bước đều tăm tắp trong tiếng nhạc hùng tráng. Chính đoàn quân này đã đánh bại đạo quân tinh nhuệ của Pháp ở Điện Biên Phủ tháng 5/1954.
Theo tài liệu Lịch sử Kỹ thuật Quân sự Việt Nam (giản yếu), tính tới thời điểm năm 1955, Quân đội Nhân dân Việt Nam có tổng cộng 330.000 người tổ chức thành: 7 Đại đoàn (sau này gọi là Sư đoàn); 8 Trung đoàn; 54 Tiểu đoàn; 258 Đại đội; 175 Trung đội.
Trang bị chủ yếu của người lính bộ binh khi đó có: 105.526 khẩu súng trường (trong đó có 57% sử dụng được); 44.836 khẩu tiểu liên (gồm Thomson, Sten, K50 kiểu Liên Xô được sản xuất ở Trung Quốc); 6.059 khẩu trung liên, đại liên (có 72% sử dụng được).
Về đạn dược (kể cả số thu được từ địch), trung bình có 200 viên/khẩu súng trường, 1.500 viên/khẩu súng tiểu liên và 4.500 viên/khẩu súng trung liên, đại liên.
Lực lượng pháo binh trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh được biên chế: 2 Tiểu đoàn lựu pháo 105mm; 3 Tiểu đoàn sơn pháo 75mm; 7 Đại đội pháo cối 82mm và 120mm.
Vũ khí phòng không ngoài số pháo 37mm và súng máy phòng không trong kháng chiến chống Pháp. Quân đội ta ngay sau đó được tiếp nhận thêm từ Liên Xô 72 khẩu Flak 88mm, 50 khẩu 40mm, 48 khẩu 37mm cùng 18 radar SR-584.
Số pháo này hầu hết đều là chiến lợi phẩm mà Liên Xô thu được từ chiến tranh chống phát xít Đức. Nhưng khẩu 88mm, 40mm sau này đã được bộ đội ta sử dụng hiệu quả trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ.
>> Vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, sau này là Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất