Lãi suất giảm sâu, dân mạng hô hào lập hội chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi gần 10% kiếm lời
Không ít nhà đầu tư vẫn đang nuối tiếc “mùa hoa đẹp nhất” của lãi suất tiền gửi và có động thái đi mua lại sổ tiết kiệm với lãi suất cao.
Thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục có xu hướng giảm. Tính đến đầu tháng 10, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của hơn 30 ngân hàng được khảo sát trung bình ở mức 5,6%/năm, giảm 0,5 điểm % so với đầu tháng 9 và giảm gần 3% so với đầu năm.
Nở rộ hoạt động sang nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao
Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán sổ tiết kiệm với lãi suất cao” trên các trang mạng xã hội, người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt bài đăng với nội dung chuyển nhượng, mua bán sổ tiết kiệm với lãi suất cao. Có cả những hội nhóm chuyên nghiệp chuyên mua bán trao đổi sổ tiết kiệm.
Qua tìm hiểu, những người đang chào bán sổ tiết kiệm chủ yếu là những khách hàng đã gửi được tiền với lãi suất từ trên 8-10% trong giai đoạn lãi suất tiền gửi tăng nóng hồi quý 4/2022 hoặc đầu năm 2023. Giờ đây, do cần vốn và ngại việc tất toán sổ sẽ chỉ nhận được lãi của tiền gửi không kỳ hạn, không ít chủ sổ tiết kiệm đã tìm đến cách sang nhượng cho người khác. Số khác thì lại muốn tranh thủ đáo hạn để gửi lại ngân hàng lúc lãi suất vẫn chưa giảm sâu.
Nguồn: Facebook |
Theo đó, nhiều cá nhân có nhu cầu mua bán, sang nhượng sổ tiết kiệm đăng bài trên các hội nhóm mạng xã hội cũng xuất hiện rầm rộ. Trên một hội nhóm có gần 50.000 thành viên, mỗi ngày có hàng chục lời rao chuyển nhượng hay nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất từ 7,5%/năm đến hơn 9%/năm, thậm chí từ 11-12%.
Các cá nhân này cam kết sẽ đến trực tiếp quầy của ngân hàng để chuyển sổ sang tên cho người mua. Làm rõ hơn thông tin, người này cho biết hình thức mua bán là mệnh giá cộng với phần lãi suất từ lúc gửi đến lúc chuyển nhượng. Người mua sẽ hưởng lãi suất cho thời gian còn lại.
Thậm chí là trên 10%... |
Sang nhượng sổ tiết kiệm có hợp pháp?
Theo Thông tư số 48 quy định tiền gửi tiết kiệm, quy định chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).
Tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: Chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì thế, thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.
Trên thực tế, Thông tư số 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, khách hàng rút toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ nhận được mức lãi suất bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi.
Nếu rút trước hạn một phần tiền gửi thì phần tiền gửi rút trước hạn sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Phần tiền gửi còn lại sẽ áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Một nhân viên ngân hàng lớn tại TPHCM cho biết giao dịch chuyển nhượng sổ tiết kiệm là hoạt động thường ngày ở ngân hàng. Hoạt động này sẽ phải mất phí, từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi sổ hoặc tài khoản tiết kiệm, tùy vào từng ngân hàng.
Thời gian qua, nhiều người muốn sang nhượng sổ tiết kiệm do không muốn rút tiền trước hạn, do nếu rút trước hạn thì sẽ nhận mức lãi suất không kỳ hạn, thường ở mức thấp khoảng 0,1-0,5%/năm.
Với dạng giao dịch này, người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng cùng có lợi. Trong đó, người chuyển nhượng được nhận phần lãi cao trong khoảng thời gian đã gửi, lại vừa rút được khoản tiền gốc để đầu tư sang kênh khác. Người nhận chuyển nhượng được hưởng lãi cao trong khoảng thời gian còn lại trước kỳ đáo hạn.
Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5%: Nỗ lực điều hành của NHNN giữa thách thức kinh tế
Sau khi chuyển giao về tay Vietcombank, CBBank tăng lãi suất tiết kiệm lên gần 6%