Lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 13 tháng bất chấp NHNN hút ròng: Điều gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ?
Lãi suất liên ngân hàng VND giảm sâu, trong khi lãi suất USD duy trì ở mức cao, khiến chênh lệch lãi suất đảo chiều âm – một chỉ báo cho thấy áp lực tỷ giá đang gia tăng.
Tháng 4/2025 chứng kiến sự đảo chiều bất thường của thị trường tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quay trở lại hút ròng gần 22.200 tỷ đồng qua kênh OMO, nhưng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vẫn rơi về mức 2,2% – thấp nhất trong vòng 13 tháng, trước khi hồi phục lên 3,8% vào cuối tháng.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên mức lãi suất 4,5%, khiến chênh lệch lãi suất VND – USD bị đảo chiều âm mạnh nhất từ đầu năm.
![]() |
Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn chính tiếp tục giảm trong tháng 4/2025, chạm đáy mới trong hơn một năm. Nguồn: Bloomberg, phân tích bởi MBS Research. |
Thanh khoản hệ thống dồi dào bất chấp NHNN hút ròng
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ổn định quanh mức 4%–4,4% trong nửa đầu tháng 4, nhưng bất ngờ giảm mạnh về mức 2,2% vào ngày 25/4 – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024. Diễn biến này cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa thanh khoản, dù NHNN đã bơm 220.300 tỷ đồng qua OMO, trong khi lượng đáo hạn lên tới 242.400 tỷ đồng, dẫn đến trạng thái hút ròng khoảng 22.200 tỷ đồng.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước tăng cường hút ròng thanh khoản qua kênh thị trường mở trong quý I/2025. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, MBS Research. |
Theo MBS Research, “mặc dù NHNN quay trở lại hút ròng, lãi suất liên ngân hàng vẫn chạm đáy 13 tháng tại 2,2% vào ngày 25/4 trước khi tăng trở lại lên mức 3,8% vào cuối tháng”. Mức chênh lệch lãi suất VND – USD đã đảo chiều âm mạnh, từ mức dương 0,2–1,2% trong nửa đầu tháng chuyển sang âm 2,1% vào cuối tháng – mức cao nhất kể từ đầu năm.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng chỉ dao động nhẹ quanh mức 3,9–4,1%, phản ánh mặt bằng lãi suất thấp đang được duy trì bất chấp chính sách hút tiền ròng từ NHNN. Điều này làm dấy lên lo ngại về độ trễ trong truyền dẫn chính sách tiền tệ và khả năng kiểm soát tỷ giá trong điều kiện thanh khoản dư thừa.
Lãi suất huy động tạo đáy, áp lực tăng trở lại cuối năm
Sau các đợt giảm mạnh liên tiếp trong quý I, xu hướng hạ lãi suất huy động tiếp tục diễn ra trong tháng 4 nhưng với tốc độ chậm lại. Theo báo cáo của MBS, “có gần 10 nhà băng hạ lãi suất với mức giảm 0,1%–0,5%/năm đối với nhiều kỳ hạn”. Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng tư nhân nhỏ bắt đầu tăng nhẹ lãi suất để đón đầu xu hướng phục hồi tín dụng.
Tính đến cuối quý I/2025, theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93% – cao gấp gần 3 lần so với mức tăng 1,42% cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh nhu cầu vốn đang hồi phục đáng kể và đặt nền tảng cho chu kỳ tăng trưởng tín dụng mới.
![]() |
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cải thiện mạnh trong năm 2024 và duy trì đà tích cực đầu năm 2025. Nguồn: Bloomberg, MBS Research. |
Đến cuối tháng 4, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 12 điểm cơ bản về mức 4,93%, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh giữ ổn định ở mức 4,7%. Đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng tư nhân chỉ còn 3,4% – mức thấp nhất trong nhiều năm, thể hiện môi trường tiền tệ nới lỏng.
![]() |
Lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất 3 tháng tại ngân hàng tư nhân chỉ còn 3,4% vào cuối tháng 4/2025. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, Bloomberg, MBS Research. |
Tuy nhiên, MBS Research đưa ra dự báo "lãi suất đầu vào dao động ở mức 5,5% – 6% vào cuối năm 2025”, dựa trên ba động lực chính: phục hồi sản xuất, gia tăng tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đồng thời, MBS cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 17–18%, vượt mục tiêu 16% ban đầu.
Tỷ giá bật tăng giữa lúc DXY sụt giảm mạnh
Tháng 4/2025, chỉ số DXY sụt giảm 9,7% từ đỉnh năm xuống mức thấp nhất trong ba năm là 98,3 điểm vào ngày 21/4, do vòng xoáy thuế quan và bất ổn chính sách giữa Tổng thống Mỹ và Fed. Tuy nhiên, bất chấp sự suy yếu mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn tăng 1,4% so với cuối tháng 3, lên 25.994 đồng – tương ứng tăng 2,1% so với đầu năm.
![]() |
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh bất chấp chỉ số DXY lao dốc, chênh lệch giữa tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá tự do nới rộng. Nguồn: Bloomberg, MBS Research. |
MBS cho rằng có ba nguyên nhân chính lý giải hiện tượng này. Một là, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua tổng cộng 110 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, làm nguồn cung ngoại tệ bị siết lại. Hai là, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ khó đoán định, nhu cầu phòng vệ ngoại tệ của doanh nghiệp gia tăng mạnh. Ba là, “việc lãi suất liên NH giảm mạnh về mức đáy 13 tháng vào cuối tháng đã khiến chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm ở mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay”, từ đó kích hoạt dòng vốn đầu cơ theo hướng vay VND mua USD để hưởng lợi suất chênh lệch.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do chốt tháng ở mức 26.470 đồng, cao hơn gần 1.500 đồng so với tỷ giá trung tâm 24.956 đồng. MBS Research kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 VND/USD trong năm 2025, khi Mỹ duy trì chính sách tài khóa nới lỏng, kiểm soát nhập cư chặt chẽ và tiếp tục áp dụng chính sách bảo hộ thương mại.
Sự đối lập giữa chính sách giữ lãi suất cao của Fed để kiểm soát lạm phát và chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN nhằm kích thích tăng trưởng đang tạo nên thế "lệch pha" rõ rệt. Nếu tình trạng chênh lệch lãi suất âm kéo dài, NHNN có thể sẽ cần có phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn, bao gồm “tăng lãi suất OMO, bán ngoại tệ can thiệp thị trường hoặc kiểm soát dòng vốn ngắn hạn”.
Tuy nhiên, những biện pháp này là con dao hai lưỡi: một mặt giúp bình ổn tỷ giá và ngăn chặn dòng vốn đầu cơ, mặt khác có thể làm giảm thanh khoản hệ thống, gây ảnh hưởng tới đà phục hồi tín dụng và tiêu dùng – hai động lực chính của tăng trưởng năm 2025.
Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với yêu cầu phục hồi dự trữ ngoại hối sau khi đã bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm 2024. Dù vậy, một số yếu tố tích cực như thặng dư thương mại 3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân 6,74 tỷ USD (+7,3% so với cùng kỳ) và lượng khách quốc tế tăng 23,8% đang đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ đồng VND. Nhưng để đạt được mục tiêu kép là ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, NHNN cần điều phối linh hoạt các công cụ điều hành từ lãi suất, tỷ giá đến OMO và kiểm soát dòng vốn.
NHNN bơm ròng gần 24.500 tỷ, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ tuần qua
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao: Tín hiệu gì từ thanh khoản hệ thống?