Lãi suất tín dụng đen 360%/năm: Vì sao ngân hàng 'thừa tiền' người dân vẫn phải đi vay ngoài?
Tín dụng đen không chỉ 'còn đất sống', mà hình thức cho vay nặng lãi ngày càng đa dạng hơn, vì đâu?
Ngày 12/12, Công an tỉnh Vĩnh Long đã bắt giữ một đối tượng cho vay lãi lên đến 360%/ năm. Vậy điều gì khiến người ta chọn cách cho vay bất hợp pháp ngay cả khi các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp kỷ lục?
Lãi suất ngân hàng ở mức thấp kỷ lục, do đâu 'tín dụng đen' vẫn còn đất sống?
Các ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã niêm yết mức lãi suất thấp kỷ lục. Tuy vậy tình trạng "thừa tiền" của ngân hàng vẫn còn đó, trong khi người muốn vay lại khó tiếp cận vốn. Do đâu?
>> Cho vay lãi cao lên đến 360%/năm, một đối tượng vừa bị bắt
Thứ nhất, nhu cầu vay vốn làm ăn, kinh doanh trên thị trường hiện nay rất “nóng”, nhất là sau đại dịch COVID-19. Mà thực tế, không phải người dân và doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn “tín dụng đen” ở ngoài xã hội lại quá dễ dàng.
Hiện tín dụng đen không chỉ "còn đất sống", mà hình thức cho vay nặng lãi ngày càng đa dạng hơn. Từ những mẩu giấy dán cột điện, thân cây như trước đây, giờ là cả những tờ rơi "hỗ trợ tài chính" được công khai phát ở một số tuyến đường từ thành thị đến nông thôn. Và thậm chí là sử dụng công nghệ thông tin để cho vay nặng lãi. Đặc biệt, vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại) đang là hình thức phổ biến nhất.
Để vay tiền qua app (ứng dụng điện thoại) chỉ cần vài thao tác trên điện thoại cung cấp thông tin cá nhân, sau khoảng 10 phút, bên cho vay sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Chính vì sự nhanh gọn đó nên rất nhiều người dân bị dính bẫy.
Quảng cáo vay nặng lãi tràn lan trên đường phố |
Thứ hai, người lao động dễ rơi vào bẫy vay nặng lãi do kiến thức về tài chính không nhiều. Ngoài ra những hiểu biết về xã hội về những rủi ro tiềm năng lại càng ít.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cho biết: “Đa số người lao động không có nhiều tích lũy, khi gặp bất trắc trong cuộc sống, cần tiền trang trải, họ nhìn ra các mối quan hệ xung quanh cũng chỉ là chủ trọ, công nhân khác - những người cũng khó khăn không kém gì họ. Song song đó, họ cũng không tiếp cận được các chính sách, thế nên họ chỉ biết tìm tới những nguồn vay nặng lãi. Có nhiều trường hợp, người lao động để người vay giữ luôn thẻ ATM của mình, cứ đến tháng trả nợ thì rút tiền ra”.
Thứ 3, hình thức cho vay nặng lãi cũng như khu vực hoạt động của tín dụng đen ngày càng tinh vi hơn. Hiện nay, những hình thức biến tướng tín dụng đen đang tràn về nhiều vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số, nơi mà bà con khó khăn, cần tiền để chi tiêu, hay cần vốn để kinh doanh.
Thứ tư, Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu vắng trong hoạt động tín dụng vi mô (tín dụng vi mô, về bản chất, là hoạt động cho vay được đổi mới vì mục đích xã hội). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là người lao động nghèo như công nhân khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Cuối cùng, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.
Người dân ở các địa phương chưa thực sự nhận thức được tác hại của tín dụng đen. Ngoài ra, đối tượng tìm đến các khoản vay bất hợp pháp này thường là nhóm người cần tài chính để giải quyết những mục đích không chính đáng như lô đề, cờ bạc…
Vay tín dụng đen, những hậu quả khó lường
Vay tiền rất dễ nhưng trả rất khó, thậm chí tín dụng đen có thể khiến người vay tán gia bại sản. Chị H. một người từng vướng lao đao khi vay tiền qua các app tín dụng tâm sự: Khi vay tiền qua app, khi gần đến hạn trả app này thì app kia gọi điện đến mời và app này sẽ hối thúc app kia trả cho nên cứ thành 1 vòng xoáy vay app này để trả app kia.
Đến khi không còn khả năng chi trả thì các app đều gọi điện để đe dọa, gọi tất cả các số trên danh bạ, ghép hình ảnh các trang mạng xã hội gửi cho người thân. Với đủ chiêu trò mà nhóm cho vay bày ra như: phí dịch vụ, phí phạt nộp chậm... tiền lãi sẽ có thể lên đến 1.000%/năm.
>> Truy nã Chủ tịch công ty đòi nợ thuê kiểu khủng bố: Đe doạ, ghép ảnh bôi nhọ trên Facebook
Vay nặng lãi qua ứng dụng điện thoại |
Hoạt động "tín dụng đen" còn là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Bởi cho vay nặng lãi thường đi kèm với đòi nợ thuê. Các đối tượng tạo băng nhóm để đòi nợ, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản... với đủ các hình thức bạo lực từ tinh thần đến thể xác đối với con nợ và cả gia đình con nợ.
Chậm trả tiền lãi vài ngày, người vay tiền qua app sẽ thường xuyên nhận được những lời đe dọa như thế. Sẽ có hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày nếu không nghe máy. Sau đó là những cách khủng bố tinh thần khác khủng khiếp hơn.
"Khi người dân không đảm bảo việc đóng lãi, các đối tượng sẽ thu thập các thông tin, cắt dán hình ảnh để bôi nhọ, đe dọa, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người dân để người dân phải đóng lãi", Đại úy Trần Văn Thông, Phó Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết.
Khi lãi mẹ đẻ lãi con, người vay không còn khả năng chi trả, không ít người phải bỏ trốn khỏi làng quê. Những nhóm đối tượng tiếp tục đe dọa chính những người thân trong nhà. Nhiều gia đình phải bán nhà, bán vườn, bán ruộng để có tiền trả nợ cho con.
Làm thế nào để hạn chế sự phát triển của tín dụng đen? Câu trả lời sẽ còn rất dài, nhưng chung quy lại vẫn là cách tuyên truyền để người dân hiểu, và đặc biệt là giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Nếu làm được điều này, một phần 'bệnh thừa tiền' của ngân hàng được chữa, và 'bệnh thiếu tiền' của người dân cũng đỡ phần nào.