Sau 9 tháng năm 2022 với cú sốc ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu hồi đầu tháng 1, đến thời điểm này, trên thị trường chứng khoán, vẫn còn hàng vạn nhà đầu tư vì đu đỉnh loạt cổ phiếu mà chưa thể "về bờ".
Nằm trong xu hướng chung của thế giới, tuần qua (19 - 23/9/2022) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuần qua đã quyết định tăng các lãi suất điều hành thêm 1%. Điều này tiếp tục tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán qua đó khiến VN-Index có tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp sau chuỗi 8 tuần tăng trước đó.
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% đêm ngày 21/9/2022, một loạt ngân hàng trung ương các nước đã công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Chiều 22/9, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất thêm 0,5% đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,75% lên mức 2,5%.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên 2,25% để kiểm soát lạm phát.
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đỉnh tháng 4/2022 đến nay
Kết phiên cuối tuần trước, VN-Index đã kết thúc tuần bằng cây nến đỏ với chỉ số đóng cửa nằm dưới đường MA20, đặc biệt sự suy giảm của chỉ số trong 3 tuần vừa qua đã tạo ra mô hình nến Ba con quạ đen (Three Black Crows).
Đà giảm cuối tuần trước được dự báo sẽ nối dài sang tuần này song trước phiên, các công ty chứng khoán vẫn cho rằng mức giảm có thể không sâu do VN-Index đã về mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm trở lại đây đồng thời chỉ số cũng đang có vùng hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.170 điểm.
Tuy nhiên, những diễn biến trong phiên ngày 26/9/2022 lại cho thấy mức độ tiêu cực nằm ngoài dự kiến.
Một số chuyên gia lý giải, ngoài câu chuyện lãi suất tăng khiến dòng tiền bị hút trở lại kênh gửi tiết kiệm, mối lo suy thoái từ bên ngoài còn có thể ảnh hưởng tiêu cực trung dài hạn với các doanh nghiệp trong nước do độ mở nền kinh tế Việt Nam khá lớn.
Và... bất chấp những nhận định về việc thị trường chứng khoán tới đây sẽ đón nhận một số thông tin vĩ mô quan trọng cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 của doanh nghiệp (được đánh giá hết sức tích cực khi nền so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm 2021), đà giảm của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay đã phần nào "phản biện" lại những lạc quan trên.
Gần như toàn bộ các nhóm ngành đều mất điểm (kể cả nhóm cổ phiếu bảo hiểm có màn đi ngược xu hướng chung trong phiên cuối tuần trước - ngày 23/9).
Kết phiên giao dịch, lực cầu bắt đáy đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm 15 điểm về còn 29 điểm. Chỉ số trụ lại thành công mốc 1.170 điểm.
Có tới 72 mã giảm sàn trong phiên này - thu hẹp khoảng 30 mã so với cao điểm.
Trong cơn hoảng loạn, thanh khoản thị trường tăng vọt lên mức 20.000 tỷ đồng trong đó thanh khoản sàn HOSE là hơn 17.500 tỷ.
NHÀ ĐẦU TƯ NÊN LÀM GÌ LÚC NÀY?
Sau 9 tháng năm 2022 với cú sốc ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu hồi đầu tháng 1, đến thời điểm này, trên thị trường chứng khoán, vẫn còn hàng vạn nhà đầu tư vì đu đỉnh loạt cổ phiếu mà chưa thể "về bờ".
Biết phải làm gì khi cổ phiếu đi xuống là rất quan trọng bởi vì sự sụp đổ của thị trường có thể tàn phá cả về tinh thần và tài chính, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Bán hoảng loạn khi thị trường chứng khoán đi xuống có thể làm tổn hại danh mục đầu tư của bạn, thay vì bảo vệ nó. Có nhiều lý do tại sao các nhà đầu tư không bán vào thị trường gấu (giảm điểm) và ở lại lâu dài.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian của bạn và cách thị trường hoạt động trong thời kỳ suy thoái. Thử nghiệm với một sàn giao dịch chứng khoán ảo để xác định mức độ chấp nhận rủi ro của bạn và bảo đảm chống lại tổn thất với đa dạng hóa. Kiên nhẫn, không hoảng loạn là những gì bạn cần để trở thành một nhà đầu tư thành công.