Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang "đè nặng" lên tỷ giá đồng Euro và sẽ không có dấu hiệu suy giảm trong thời gian tới.
Lần đầu tiên trong 20 năm qua, đồng Euro và USD gần như ngang giá, chỉ còn cách chưa tới 1 xu.
Tính đến sáng hôm nay (12/07), đồng Euro dao động quanh mức 1.004 USD, giảm 12% so với đầu năm và cho thấy đà đi xuống đều trong 1 năm qua.
Các chuyên gia nhận định đồng USD đã mạnh lên do lạm phát tăng cao, xung đột ở Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng do Trung Quốc đóng cửa chống dịch, lo lắng giảm tốc tăng trưởng, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn là các đồng tiền mạnh.
Bên cạnh đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần từ 2 kể từ đầu năm 2022 đến nay nhằm chống lạm phát cao nhất 40 năm cũng khiến đồng USD tăng giá hơn so với Euro.
Hàng loạt đợt nâng lãi suất quyết liệt của các NHTW, bao gồm cả Fed, cùng với sự giảm tốc kinh tế sẽ gây áp lực lên đồng Euro. Trong khi đó, nhà đầu tư đang tìm tới đồng USD như kênh trú ẩn an toàn, theo các chuyên viên phân tích.
Bên cạnh đó, nỗi sợ suy thoái tại châu Âu dâng cao trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh và châu Âu khủng hoảng nguồn cung năng lượng vì cuộc chiến Nga-Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) – vốn nhập gần 40% lượng khí gas thông qua các ống dẫn từ Nga trước đây – đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí Nga. Cùng lúc đó, tuyến đường ống lớn nhất dẫn khí đốt Nga tới Đức Nord Stream 1 sẽ bắt đầu cuộc bảo trì hàng năm vào ngày thứ Hai (11/7) và theo dự kiến, dòng chảy năng lượng qua đường ống này sẽ tạm ngưng trong 10 ngày.
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra ngay khi kinh tế châu Âu giảm tốc và đặt NHTW vào tình thế khó khăn nếu muốn kéo giảm lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong cuộc họp tháng 7, khi lạm phát Eurozone ở mức 8.6%.
Theo chuyên gia Ulrich Leuchtmann thuộc Ngân hàng Commerzbank, việc bảo trì kéo dài sẽ chất thêm gánh nặng lên đồng tiền chung châu Âu. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh cũng tạo sức ép cho đồng euro.
Hiện thị trường đang tập trung sự chú ý vào các dữ liệu lạm phát ở Mỹ, dự kiến được công bố trong ngày 13/7, trong đó tỷ lệ lạm phát có thể ở mức 8,8%.
Nhu cầu “tránh bão” ở đồng USD có thể tăng mạnh hơn nếu châu Âu và Mỹ rơi vào suy thoái, George Saravelos, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche, cho biết trong báo cáo tuần trước.
Thậm chí, đồng Euro có thể xuống thấp hơn ở mức 0.95-0.97 USD “nếu cả châu Âu và Mỹ chìm sâu vào suy thoái trong quý 3/2022 trong lúc Fed tiếp tục nâng lãi suất”, Saravelos cho biết.