Tài chính quốc tế

Làn sóng doanh nghiệp 'tháo chạy' từ Trung Quốc sang Việt Nam

Vũ Bấc 18/05/2025 08:26

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù chi phí và hậu cần vẫn là những thách thức không nhỏ.

Trước áp lực từ các mức thuế quan khắt khe do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang gấp rút chuyển dịch hoạt động sản xuất sang các quốc gia láng giềng, trong đó Việt Nam được xem là lựa chọn hàng đầu.

Tại Việt Nam, hoạt động di dời nhà máy đang diễn ra sôi động. Các cơ sở sản xuất từ quần jeans đến vòng hoa Giáng sinh đều đang đẩy nhanh tiến độ thiết lập tại đây. Những doanh nghiệp đã chuyển sang Việt Nam tiếp tục tăng tốc mở rộng quy mô. Đồng thời, các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba và Shein đang hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp thay thế sản xuất tại thị trường này.

Chuỗi cung ứng Trung Quốc rạn nứt, Việt Nam nổi lên như cứ điểm sản xuất mới của thế giới - ảnh 1
Khi các đơn hàng bị đình trệ do mức thuế quan hơn 145%, các công ty Trung Quốc đang cố gắng chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra nhanh đến mức trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều kênh chuyên cung cấp hướng dẫn chuyển tuyến hàng hóa sang Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm tuyến thương mại mới. Theo dữ liệu công bố hôm 16/5 của chính phủ Trung Quốc, xuất khẩu từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á đã tăng đột biến trong tháng trước, trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh.

Trong khi Tổng thống Trump áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, ông tạm thời miễn áp dụng mức thuế mới đối với Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác đến đầu tháng 7. Điều này khiến các nhà máy trong khu vực hoạt động tối đa công suất để tranh thủ “khoảng lặng” trước cơn bão thuế quan.

“Có vẻ như mọi người đều đang gấp rút tìm kiếm đối tác tại Việt Nam", ông Vũ Mạnh Hùng – chủ sở hữu bảy nhà máy ở miền Bắc Việt Nam – chia sẻ. Ông cho biết đang nhận được hàng loạt đề nghị hợp tác từ các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhằm tránh mức thuế cao.

Tuy nhiên, ông Hùng vẫn chưa ký kết hợp đồng nào, phần vì năng lực sản xuất hiện tại của các nhà máy đã kín lịch. Nhiều khách hàng Mỹ cũng đang gây áp lực để đơn hàng được hoàn tất và vận chuyển trước thời điểm tháng 7.

Cảm giác hoảng loạn trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đang tái hiện – điều từng xảy ra vào năm 2018, khi ông Trump áp các mức thuế đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Khi đó, nhiều công ty đa quốc gia bắt đầu cân nhắc việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dù mức thuế chưa đủ lớn để gây làn sóng dịch chuyển quy mô lớn.

Hiện tại, với mức thuế quan cao kỷ lục, hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang chững lại rõ rệt, buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm đường ra khỏi thị trường nội địa.

Đối với nhiều công ty Trung Quốc, Việt Nam không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là chiến lược dài hạn. Hai nước có chung đường biên giới, và Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ dồi dào – yếu tố quan trọng để vận hành các nhà máy sản xuất quy mô lớn.

Thách thức đến từ chi phí sản xuất

Tuy trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Cùng với hàng chục quốc gia đang tạm thời được miễn áp thuế, Việt Nam hiện đang nỗ lực đàm phán với các quan chức Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại. Mục tiêu là tránh việc Việt Nam trở thành “cửa sau” để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ thông qua hình thức gia công hoặc tái xuất.

Chuỗi cung ứng Trung Quốc rạn nứt, Việt Nam nổi lên như cứ điểm sản xuất mới của thế giới - ảnh 2
Các nhân viên đang đóng gói sản phẩm đồ chơi Lego trên dây chuyền sản xuất tại Việt Nam

Trong cuộc chiến thuế quan đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều công ty Trung Quốc đã sớm mở nhà máy tại Việt Nam. Giờ đây, những nhà máy này đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng mới. QIS Sport Goods – một công ty chuyên sản xuất đồ thể thao dưới nước – là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này mở nhà máy tại Việt Nam từ năm 2019 và hiện đang đẩy mạnh mở rộng quy mô.

“Chúng tôi hiện đã mạnh hơn và có thể cung cấp mức giá cạnh tranh cho khách hàng", bà Nguyen Jan – một nhân sự người Việt gia nhập công ty ba năm trước – chia sẻ. “Mọi thứ trở nên bận rộn hơn rất nhiều".

QIS Sport Goods hiện vận hành hai nhà máy: một tại Đông Quan (miền Nam Trung Quốc) và một tại miền Bắc Việt Nam. Trong khi nhà máy ở Trung Quốc có khoảng 150 lao động, cơ sở tại Việt Nam đã tăng lên 400 người và đang tiếp tục tuyển dụng để mở rộng sản xuất.

Một doanh nghiệp khác là Dongguan Box – chuyên sản xuất bao bì – cũng đã hoàn tất dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam, chủ yếu phục vụ các khách hàng Mỹ như Tiffany & Company và Hallmark.

Theo bà Rita Peng, Giám đốc tiếp thị của công ty, làn sóng chuyển dịch bắt đầu từ tháng 4, khi Tổng thống Trump siết chặt thuế với hàng hóa Trung Quốc. “Khách hàng Mỹ bắt đầu gọi điện hỏi chúng tôi có thể nhanh chóng chuyển sản xuất sang Việt Nam hay không”, bà kể lại.

Dù nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bà Peng thừa nhận bản thân không cảm thấy thay đổi này mang nhiều ý nghĩa. Vừa cầm trên tay một hộp quà đỏ cầu kỳ – với bông hoa giấy trang trí và thiết kế hai mặt mở – bà cho biết: “Vấn đề không chỉ nằm ở nơi sản xuất, mà là ở giá trị sản phẩm và chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng phức tạp.”

Mặc dù làn sóng chuyển dịch sang Việt Nam đang tăng nhanh, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng thích nghi. Bà Rita Peng, Giám đốc tiếp thị của Dongguan Box, thẳng thắn chỉ ra một thực tế: chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với Trung Quốc.

“Nếu tôi làm chiếc hộp này ở Trung Quốc, thì rất dễ”, bà nói trong lúc cầm một mẫu hộp quà đỏ tinh xảo. “Nhưng nếu làm toàn bộ tại Việt Nam, chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.”

Cụ thể, bà cho biết một chiếc hộp có giá sản xuất 1 USD ở Trung Quốc sẽ đội lên thành 1,20 USD tại Việt Nam, chủ yếu do chi phí vận chuyển nguyên liệu thô. Dù đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam để phục vụ thị trường Mỹ, Dongguan Box vẫn tiếp tục sử dụng các nhà máy ở Trung Quốc cho các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu.

Từng có 1.000 công nhân tại Trung Quốc, hiện công ty chỉ còn khoảng 200 lao động tại đây, trong khi lực lượng ở Việt Nam đã tăng lên 600 người. Dù vậy, bà Peng vẫn tỏ ra lạc quan. “Tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ sớm giải quyết được những vấn đề này", bà nói.

Chuỗi cung ứng Trung Quốc rạn nứt, Việt Nam nổi lên như cứ điểm sản xuất mới của thế giới - ảnh 3
Theo New York Times,Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhờ vị trí nước láng giềng lớn phía Nam và là quốc gia có lực lượng lao động trẻ dồi dào

Các nền tảng thương mại điện tử lớn đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình chuyển dịch. Shein – thương hiệu thời trang nhanh nổi bật – được cho là đang cung cấp các gói hỗ trợ chi phí cho các nhà máy chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, Alibaba đã cử nhân sự đến Việt Nam để tư vấn cho các doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp và đối tác sản xuất thay thế trước thời điểm kết thúc lệnh tạm ngừng áp thuế của Mỹ.

Tại Quảng Châu – trung tâm công nghiệp miền Nam Trung Quốc – làn sóng quan tâm đến Việt Nam thể hiện rõ nét. Nie Shiwen, chủ một xưởng may, cho biết một số đồng nghiệp của ông đã mở rộng sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn chưa quyết định vì lo ngại về khâu hậu cần: việc vận chuyển vải và nguyên liệu có thể mất nhiều tuần.

“Không nơi nào nhanh như Trung Quốc”, ông Nie nói.

Ngược lại, Jia Yue Technology – doanh nghiệp sản xuất đồ trang trí Giáng sinh – đã mạnh dạn mở rộng sang Việt Nam. Trong ba năm qua, công ty đã chuyển hơn một nửa sản lượng ra khỏi Trung Quốc. Theo ông Jack Xu, người phiên dịch cho đại diện công ty tại một hội chợ ở TP.HCM, doanh nghiệp đang cân nhắc tiếp tục tăng sản lượng tại Việt Nam, nhất là khi phần lớn khách hàng là người Mỹ.

“Bạn biết đấy, người Mỹ rất cần những món đồ Giáng sinh,” ông Xu nói, tay chỉ vào dãy vòng hoa nhựa xanh treo trên tường.

Dù công ty đã có mặt ở cả hai quốc gia, ông Xu hy vọng Mỹ và Trung Quốc sớm đạt được thỏa thuận để ổn định thị trường.

“Hầu hết người Trung Quốc vẫn muốn bán hàng cho người Mỹ", ông chia sẻ.

Tham khảo The New York Times, Reuters

>> Đế chế trang sức lớn nhất thế giới chọn Việt Nam làm ‘bến đỗ’ giữa bão thuế quan

Chạy đua gom hàng trước bão thuế, Apple giúp công ty Trung Quốc lập kỷ lục doanh thu

Apple xoay trục khỏi Trung Quốc: Chi mạnh 19 tỷ USD mua chip Mỹ, chọn Ấn Độ làm cứ điểm sản xuất chip mới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chuoi-cung-ung-trung-quoc-ran-nut-viet-nam-noi-len-nhu-cu-diem-san-xuat-moi-cua-the-gioi-142571.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Làn sóng doanh nghiệp 'tháo chạy' từ Trung Quốc sang Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH