Mỹ - Trung hoãn áp thuế: Cứu cánh giờ chót cho Shein, Temu?
Trước áp lực thuế quan gia tăng từ Mỹ, các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ như Shein và Temu buộc phải thay đổi chiến lược và điều chỉnh mô hình hậu cần để duy trì sức cạnh tranh tại thị trường trọng điểm.
Một thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc về việc trì hoãn áp thuế bổ sung không bao gồm việc khôi phục lại chính sách miễn thuế “de minimis” – vốn cho phép các gói hàng thương mại điện tử trị giá dưới 800 USD từ Trung Quốc được nhập vào Mỹ mà không chịu thuế. Tuy vậy, động thái này vẫn mang lại khoảng thời gian quý giá để các nhà bán lẻ trực tuyến như Shein và Temu điều chỉnh chiến lược kinh doanh tại thị trường Mỹ.
Các chuyên gia thương mại nhận định, trong thời gian hoãn thuế kéo dài 90 ngày, các công ty Trung Quốc – vốn đã vượt mặt các cửa hàng đồng giá và trung tâm thương mại để lọt vào nhóm 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ – có thể sẽ đẩy mạnh nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa và bổ sung kho hàng trong nước.

Trước đó, vào ngày 2/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức chấm dứt chính sách “de minimis”, vốn cho phép các đơn hàng dưới 800 USD từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông được miễn thuế khi nhập vào Mỹ.
Chính sách này từng là đòn bẩy giúp Shein và Temu bùng nổ tại thị trường Mỹ, nhờ khả năng vận chuyển miễn thuế trực tiếp từ nhà máy Trung Quốc đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, họ bán ra các sản phẩm giá rẻ – từ tiện ích đến thời trang và phụ kiện – thu hút mạnh mẽ người mua sắm Mỹ. Thành công của hai nền tảng này đã khiến Amazon.com ra mắt dịch vụ tương tự mang tên Amazon Haul, cũng từng được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế nói trên.
Việc chính quyền Mỹ chính thức xóa bỏ chính sách miễn thuế de minimis đã khiến các gói hàng từ Trung Quốc phải chịu mức thuế quan lên đến 145% đối với phần lớn các mặt hàng. Động thái này được xem là cú đánh mạnh vào các mô hình kinh doanh dựa trên chiến lược giá cực thấp như của Shein và Temu, buộc hai nền tảng này phải cắt giảm đáng kể ngân sách quảng cáo tại thị trường Mỹ và tìm cách mở rộng sang các thị trường khác như châu Âu.
Trong khi đó, Amazon – đối thủ nội địa lớn nhất – đã nhanh chóng đưa dịch vụ Amazon Haul đến thị trường Anh và Ả Rập Xê Út trong tuần qua, cho thấy sự chuyển hướng chiến lược trong bối cảnh thương mại điện tử toàn cầu biến động.
Mặc dù tuyên bố vào đầu tuần không đề cập đến việc khôi phục de minimis, các chuyên gia nhận định khả năng miễn trừ thuế quay trở lại là rất thấp. Tuy nhiên, việc tạm thời hạ mức thuế quan xuống 30% trong vòng 90 ngày vẫn mang lại lợi thế đáng kể cho Shein và Temu, giúp họ có thêm thời gian để tối ưu chi phí nhập hàng và dự trữ sản phẩm tại thị trường Mỹ.
“Đây là cơ hội quan trọng, thậm chí là rất tốt, cho Shein và Temu trong việc bổ sung hàng tồn kho tại Mỹ,” Yao Jin, Phó Giáo sư chuyên ngành quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Miami (Ohio), nhận định.
Ông cho biết, thay vì tiếp tục vận chuyển từng gói hàng nhỏ lẻ bằng đường hàng không – vốn đắt đỏ và không còn miễn thuế – các công ty này có khả năng chuyển sang nhập khẩu số lượng lớn bằng tàu container trong vòng ba tháng tới. Chiến lược này vừa tận dụng được mức thuế thấp hơn trong ngắn hạn, vừa giảm chi phí vận chuyển, đồng thời giúp chuẩn bị sẵn nguồn cung cho các đợt mua sắm cuối năm và đối phó với đợt tăng thuế tiếp theo.
PDD Holdings – công ty mẹ của Temu, cùng với Shein và Amazon, hiện vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về các điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh sau thông báo từ chính quyền Mỹ.

Trước áp lực thuế quan mới, Temu đã bắt đầu chuyển hướng mô hình kinh doanh tại thị trường Mỹ. Trên trang web chính thức, nền tảng này hiện giới thiệu nhiều sản phẩm đã có sẵn trong kho tại Mỹ, thay vì tiếp tục phương thức giao hàng trực tiếp từ nhà máy tại Trung Quốc đến tay người tiêu dùng. Trong tuyên bố ngày 2/5, Temu cho biết tất cả các giao dịch bán hàng tại Mỹ hiện được xử lý bởi các nhà bán hàng nội địa – một động thái cho thấy nỗ lực thích nghi nhanh chóng với thay đổi chính sách thuế.
Theo Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại nền tảng định giá Xeneta, trước khi chính sách miễn thuế de minimis bị bãi bỏ, khoảng 50% hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không từ Trung Quốc sang Mỹ là các mặt hàng thương mại điện tử giá trị thấp. Tuy nhiên, kể từ ngày 2/5 – thời điểm chính sách mới có hiệu lực – tổng công suất vận chuyển hàng hóa trung bình mỗi ngày trên tuyến hàng không này đã giảm mạnh 39%, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Rotate.
Các công ty như Shein và Temu giờ đây phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn chiến lược hậu cần. Theo ông Hugo Pakula, chuyên gia hải quan và Giám đốc điều hành nền tảng tự động hóa thương mại Tru Identity, cả hai công ty có thể linh hoạt kết hợp hai hình thức vận chuyển: một số mặt hàng tiếp tục được gửi trực tiếp từ Trung Quốc, trong khi các mặt hàng khác sẽ được vận chuyển theo lô lớn rồi phân phối trong nước.
“Có những sản phẩm giá trị đủ thấp để việc cộng thêm 30% vào giá bán lẻ vẫn khiến chúng rẻ hơn so với Amazon hoặc bất kỳ đối thủ nào", ông Pakula nhận định. “Với các mặt hàng thực sự rẻ, rất có thể chúng sẽ tiếp tục được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc đến tay người tiêu dùng.”
Về phía Amazon, việc chính quyền Mỹ tạm thời giảm thuế quan được xem là cơ hội cho các nhà bán hàng trên nền tảng này lên kế hoạch và đẩy mạnh đơn hàng từ Trung Quốc, đặc biệt là chuẩn bị cho mùa mua sắm lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bao nhiêu thương gia sẽ tận dụng được khoảng thời gian 90 ngày này để điều chỉnh chuỗi cung ứng.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)
>> Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trước cuộc 'phá băng' thương mại