Lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế
Trở về sau chiến tranh, nhiều người lính - thương binh tại Hải Phòng lại kề vai, sát cánh cùng nhau trên mặt trận phát triển kinh tế.
DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Đoàn – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và người khuyết tật TP Hải Phòng, Tổng Giám đốc Công ty Thương binh Đông Trường Sơn để cùng cảm nhận khí chất bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận xây dựng kinh tế.
- Người lính trở về sau chiến tranh để làm kinh tế không phải là dễ dàng. Ông có thể chia sẻ những khó khăn của bản thân nói riêng và các thành viên trong hiệp hội nói chung?
Đối với cá nhân tôi thì tôi chưa bao giờ nghĩ mình “trở về”. Lúc nào trong tôi cũng vẹn nguyên cảm xúc và ý chí là một người lính Cụ Hồ. Xưa ở chiến trường, có lúc trong chiến đấu phải lựa chọn “một mất một còn”, thì nay, khi tham gia sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tôi vẫn xác định đây là một mặt trận để chiến đấu.
Những ngày đầu bước trên con đường sản xuất, kinh doanh, chúng tôi cũng khá khó khăn về vốn, các mối quan hệ với khách hàng và còn thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, xuất thân từ một người lính, cảm nhận sâu sắc về lịch sử anh hùng, về những mất mát đau thương trong giai đoạn chiến tranh nên trong thời bình, đi vào lĩnh vực kinh tế, chúng tôi luôn nhận thức rằng ngoài mục tiêu kinh tế đó còn là trách nhiệm với cộng đồng. Từ số vốn huy động ít ỏi ban đầu, đến nay, Công ty Thương binh Đông Trường Sơn đã đi vào hoạt động ổn định với các ngành nghề chính là: nuôi trồng thủy sản, thu gom phân loại phế liệu, vật liệu xây dựng; tạo việc làm cho thường xuyên cho hàng chục lao động… Tổng doanh số sản xuất kinh doanh dịch vụ của công ty từ năm 2018 đến nay đạt hơn 200 tỷ đồng.
Còn về phía Hiệp Hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Hải Phòng, từ khi được thành lập đến nay, hoạt động Hiệp hội đã phát triển nhanh chóng. Đến nay, hiệp hội đã có hơn 200 thành viên là các doanh nghiệp, doanh nhân – thương binh. Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng các thành viên hỗ trợ lẫn nhau để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động. Hội vẫn đạt doanh số trên 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, đa phần thương bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính sách và người khuyết tật trên địa bàn TP Hải Phòng với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng…
- Khi nhìn vào thực tế thì doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Hiệp hội đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi xác định là một gia đình nên luôn tổ chức các hoạt động để các doanh nghiệp và cá nhân có cơ hội giao lưu, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, Hiệp hội đã thường xuyên quan tâm tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho Hội viên và người lao động. Đồng thời, gương mẫu chấp hành tốt các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh, như: về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước… Thể hiện “nghĩa tình đồng đội”, hàng năm vào các ngày lễ, tết cổ truyền, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày thành lập Quân đội Nhân dân, Hiệp hội đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và gia đình chính sách…
- Ông nghĩ sao về các chính sách của nhà nước hiện có cho các doanh nhân cựu chiến binh làm kinh tế?
Có thể khẳng định rằng để có được thành công trong sản xuất, kinh doanh, chúng tôi không quên sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, cũng như sự hợp tác của đối tác.
Những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị, xã hội. Trong đó có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, về vốn, về thuế… cho các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Đây là các chính sách ưu đãi hết sức thiết thực, là chỗ dựa chính rất quan trọng để các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật duy trì, phát triển.
- Đã từng vượt qua “gian nan của khói lửa chiến tranh” và sự khắc nghiệt của thương trường kinh doanh, ông có lời khuyên nào đến các doanh nhân trẻ thưa ông?
Sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp bên cạnh đảm bảo cuộc sống cho gia đình còn phải biết chia sẻ lợi ích với người lao động và cộng đồng xã hội. Từ kinh nghiệm của bản thân với hơn 50 năm từ quân đội đến nay, tôi và các đồng đội đều thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, góp ý và thuyết phục các bạn trẻ bây giờ không được ngại khó, ngại khổ. Con đường kinh doanh cũng khắc nghiệt như chiến trường vậy, không có gì dễ dàng cả nhưng chỉ cần các bạn trẻ xác định đã dấn thân là không lùi bước, làm việc bằng cái Tâm cái Tầm thì nhất định sẽ thành công. Đoàn kết chính là sức mạnh và chìa khóa của mọi thành công.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Diễn đàn VECONAC góp phần thúc đẩy cựu chiến binh ASEAN phát triển kinh tế
70 năm giải phóng Thủ đô: Cựu chiến binh kể chuyện tiếp quản Hà Nội