Láng giềng Việt Nam chế tạo thành công máy bay chiến đấu thế hệ 6: Có thể tàng hình, chuyển đổi giữa chế độ có - không người lái
Các nhà khoa học hàng không nước này vừa thông báo về việc chế tạo thành công và thử nghiệm một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 6 với những tính năng đột phá.
Theo thông tin từ South China Morning Post (SCMP) ngày 28/6, quá trình thử nghiệm diễn ra tại một sân bay ở rìa phía nam sa mạc Mu Us, tỉnh Ninh Hạ, phía Tây Bắc Trung Quốc.
Tại đây, các kỹ sư và nhà khoa học đã tiến hành bay thử nghiệm chiếc máy bay phản lực mới, được thiết kế với động cơ phản lực hai cửa hút gió và cấu trúc kết hợp thân-cánh, đặc trưng bởi đôi cánh tam giác xuôi, phù hợp với các máy bay chiến đấu tàng hình tốc độ cao. Một số bản vẽ thiết kế được công khai gần đây đã hé lộ những đặc điểm này.
Điều đặc biệt trong chuyến bay thử nghiệm là một phần cánh của máy bay chiến đấu tách ra và biến thành hai máy bay không người lái “cánh bay” sử dụng cánh quạt chạy điện. Tuy nhiên, sự tách rời này đã gây ra rung chuyển cho máy bay do diện tích cánh giảm đột ngột và sự thay đổi trọng tâm, nhưng nhanh chóng, cả máy bay chính và hai máy bay không người lái đã ổn định trở lại nhờ thiết kế khí động học và thuật toán điều khiển tự động hiệu quả.
Ông Đỗ Hâm, kỹ sư cao cấp tại Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC), cho biết thử nghiệm này đã chứng minh “khái niệm mới” về máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Không quân Trung Quốc. Ông và đồng nghiệp đã mô tả chi tiết phương thức hiệp đồng tác chiến giữa máy bay có người lái và không người lái trong một bài báo đăng trên tạp chí học thuật Trung Quốc "Tiến bộ trong Kỹ thuật Hàng không" ngày 29/5.
Theo đó, hai máy bay không người lái được kết nối với máy bay chính thông qua thiết bị tách rời có thể thu vào ở mép sau của cánh máy bay chính. Điều này giúp đảm bảo sự ổn định khi bay và giảm thiểu các tác động khí động học khi tách ra. Nhóm nghiên cứu của ông Đỗ Hâm đã phát triển một thuật toán mới để phân tích và điều khiển chính xác quá trình này.
Ông Dương Vĩ, Tổng thiết kế sư của máy bay chiến đấu J-20, cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về sự phát triển của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, tập trung vào khả năng hiệp đồng tác chiến với máy bay không người lái. Ông cho rằng máy bay trong tương lai có thể biến hình giống như các robot trong phim khoa học viễn tưởng.
Việc kết hợp nhiều loại máy bay quân sự không phải là ý tưởng mới, khi các nhà khoa học Đức và Mỹ đã thử nghiệm từ thời Thế chiến thứ hai và những năm 1950. Tuy nhiên, phương pháp của nhóm ông Đỗ Hâm với bố trí đối xứng phía sau cánh là một bước tiến mới, giúp máy bay chính ổn định hơn.
Defense News ngày 24/6 đưa tin rằng Trung Quốc đang đạt tiến bộ trong việc nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, dự kiến nguyên mẫu sẽ hoàn tất vào khoảng năm 2028. Vương Hải Phong, nhà thiết kế trưởng của Viện Thiết kế máy bay Thành Đô, cho biết đang chuẩn bị nghiên cứu “máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 có thể bảo vệ vùng biển và vùng trời vào năm 2035”.
Rick Joe, nhà quan sát quân sự Trung Quốc, nhận định rằng Trung Quốc đã thực hiện nhiều bước đột phá trong lĩnh vực này từ năm 2019, với các thông tin liên quan được tiết lộ qua các tài liệu học thuật và thông báo của các quan chức.
Brendan Mulvaney, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc của Không lực Mỹ, cho biết Trung Quốc có khả năng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 trong vòng 20 năm tới. Ông dự đoán máy bay này sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 2030 hoặc đầu những năm 2040.
Theo Guangming.com, các đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc bao gồm khả năng tác chiến tin học mạnh mẽ, tàng hình, sử dụng trí tuệ nhân tạo, và khả năng chuyển đổi giữa chế độ có người lái và không người lái.
*Theo Chinatimes, UDN
Chỉ sau 8 phút cất cánh, máy bay rơi khiến toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng
Thị trấn du lịch nổi tiếng quy tụ hàng loạt tỷ phú thế giới, hàng trăm máy bay tư nhân đỗ kín kỷ lục