Láng giềng Việt Nam lắp đặt tuabin gió trên bờ lớn nhất thế giới: Đường kính 270m, diện tích quét gần 60.000m2, cung cấp đủ điện cho 160.000 hộ gia đình
Với công suất và hiệu suất vượt trội, tuabin này không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ năng lượng sạch.
Sany, công ty năng lượng tái tạo thuộc tập đoàn sản xuất thiết bị nặng đa quốc gia Sany, vừa công bố việc bàn giao nguyên mẫu tuabin gió 15MW tại nhà máy ở huyện Thông Du, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Theo Interesting Engineering, nguyên mẫu này sẽ được thử nghiệm trong suốt 1 năm để kiểm chứng độ tin cậy. Với tên gọi SI-270150, đây là tuabin gió trên bờ có công suất một đơn vị và đường kính rotor lớn nhất (270m) từng được lắp đặt trên toàn cầu. Trước đó, tuabin gió trên bờ lớn nhất được lắp đặt là MySE 10.X-23X của Minyang Smart Energy, sở hữu đường kính cánh quạt 230m.
Được chế tạo dựa trên nền tảng bộ giàn 12.X - 16.X MW của Sany, SI-270150 có tuổi thọ kéo dài từ 25 - 30 năm. Cánh quạt dài 131m, cùng diện tích quét lên tới 57.256 m2. Nhờ công suất vượt trội, chỉ một tuabin đã có thể sản xuất đủ điện để cung cấp năng lượng cho 160.000 hộ gia đình trong suốt năm.
Điểm nổi bật của turbine SI-270150 nằm ở thiết kế siêu nhẹ và công nghệ giảm tải bằng AI. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tải trọng khi vận hành mà còn đơn giản hóa việc vận chuyển qua các khu vực hẻo lánh, nơi hạ tầng giao thông gặp nhiều thách thức.
Ngoài ra, tuabin còn được trang bị hệ thống truyền lực tiên tiến với ổ côn kép (TRB) tích hợp hệ thống hỗ trợ trục chính, nâng cao khả năng chịu tải và độ ổn định. Nhờ đó, tuabin có thể hoạt động bền bỉ trong nhiều điều kiện khác nhau.
Đầu năm 2024, Sany công bố đã sản xuất cánh quạt đầu tiên của mẫu tuabin này tại khu công nghiệp thông minh Bayannur. Vì chiều dài tăng lên, cánh quạt đòi hỏi độ cứng và bền cao hơn để tránh những vấn đề như chết máy, rung lắc hoặc gãy cánh.
Để khắc phục điều này, Sany đã phát triển thiết kế khí động học tối ưu hóa cho cánh quạt với độ dày lớn và mép sau dạng tù, tăng cường độ bền và cải thiện sự liền khối của kết cấu cánh.
Họ cũng tích hợp công nghệ sản xuất tiên tiến, bao gồm thiết kế 3D cho mối hàn kín và công nghệ chần sợi thủy tinh tự động, thay thế quy trình thủ công truyền thống.
Sany cũng chú trọng tới tính bền vững khi sử dụng polyurethane tái chế trong các bộ phận kết cấu, tăng khả năng tái chế và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Theo Interesting Engineering