Láng giềng Việt Nam tạo đột phá chưa từng có: Dùng AI phát hiện 162.000 virus mới, chỉ mất 1 giây để xác định loài mới
Từ lượng dữ liệu được tải lên trước đó, các nhà khoa học đã xác định được gần 162.000 loài virus RNA mới.
Một công cụ AI đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra những loài virus mới với tốc độ chưa từng có từ dữ liệu đã tải lên trước đó, theo một nghiên cứu chung của các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc và Australia.
Nhóm nghiên cứu cho biết, việc phát hiện ra gần 162.000 loài virus RNA mới trong các môi trường khác nhau - bao gồm khí quyển, suối nước nóng và miệng phun thủy nhiệt - nhấn mạnh tính đa dạng và khả năng tồn tại của chúng trong điều kiện khắc nghiệt, đồng thời cung cấp manh mối về cách virus và các dạng sống cơ bản khác hình thành.
Virus RNA là những loại có vật chất di truyền là RNA (axit ribonucleic) - một hợp chất có trong tất cả các tế bào sống có cấu trúc tương tự như DNA.
Bằng cách phân tích dữ liệu chuỗi gen chưa được nhận diện trong các cơ sở dữ liệu công cộng, công cụ học máy đã xác định các virus dựa trên chuỗi gen và thông tin về cấu trúc protein ẩn mà virus RNA sử dụng để nhân bản.
Thiết bị này có thể nhận diện liệu một chuỗi gen có đại diện cho một loài virus RNA hay không chỉ trong vòng 1 giây hay ít hơn.
Công cụ này sử dụng thuật toán do nhóm Alibaba Cloud Intelligence phát triển cùng với sự hợp tác của một nhóm các nhà virus học.
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 9/10, nhóm nghiên cứu viết: “Chúng tôi đã phát triển một mô hình học sâu dựa trên dữ liệu vượt trội so với phương pháp thông thường về độ chính xác, hiệu quả và quan trọng nhất là phạm vi đa dạng của virus được phát hiện”.
Họ tuyên bố đây là nghiên cứu phát hiện loài virus lớn nhất từng được công bố, xét về số lượng loài được báo cáo trong một bài nghiên cứu.
Đồng tác giả chính Shi Mang, một nhà virus học và giáo sư tại Trường Y khoa Đại học Sun Yat-sen, tiết lộ rằng công cụ AI không chỉ đẩy nhanh quá trình phát hiện virus - vốn mất nhiều thời gian và công sức nếu sử dụng các phương pháp truyền thống - mà còn cho phép các nhà khoa học khám phá lĩnh vực virus chưa từng biết đến trước đây.
“Tất cả các loại virus được phát hiện trong nghiên cứu này đều tồn tại trong môi trường và đã được giải mã chuỗi gen. Những phương pháp trước đây của chúng tôi không thể xác định được chúng, khiến chúng trở thành 'vật chất tối' đối với các nhà khoa học”, ông nói, đề cập đến các chuỗi không thể tách biệt để nghiên cứu hoặc không liên quan đến các virus đã biết.
Nhà khoa học giải thích: “Công cụ AI lấp đầy khoảng trống đó cho chúng tôi với độ chính xác cao, tương đương với các phương pháp thông thường trong tin sinh học. Nó có thể khám phá ra các chuỗi 'vật chất tối', cùng với những chuỗi có liên quan chặt chẽ hơn đến các nhóm virus đã được xác định".
Theo Shi, khám phá này đã thúc đẩy nghiên cứu trong tương lai bằng cách đặt nền tảng cho sự đa dạng của virus. Nghiên cứu có thể cho họ biết về sự tồn tại của virus trong các điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như suối nước nóng. Từ đó, kiến thức này cho phép nhà khoa học phát triển những mô tả toàn diện hơn về hệ sinh thái trong các môi trường khác nhau.
Ông Shi bình luận: "Về khả năng gây bệnh của virus, chúng ta sẽ có thể nghiên cứu sâu hơn về cách virus tương tác với vật chủ của chúng, cũng như xác định các nhóm virus có thể lây nhiễm cho một vật chủ cụ thể".
Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tiếp tục đào tạo mô hình để khám phá thêm sự đa dạng của virus và phương pháp tương tự có thể được áp dụng để xác định vi khuẩn và ký sinh trùng.
Theo SCMP
>> Láng giềng Việt Nam tạo đột phá về công nghệ chip dù bị cấm vận, tiến gần hơn đến mục tiêu tự chủ