Một nghiên cứu mới nhất của MacroPolo cho thấy Trung Quốc là quốc gia đứng đầu toàn cầu về số lượng nhân tài trong lĩnh vực AI.
Mặc dù Mỹ vượt trội hơn so với Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung về số lượng công ty AI, tuy nhiên, Trung Quốc mới là nước dẫn đầu thế giới về đào tạo tài năng và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu mới của tổ chức tư vấn MacroPolo cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong một số tiêu chí để trở thành nơi sản sinh nhiều nhân tài AI nhất, đào tạo ra gần 50% chuyên gia AI hàng đầu thế giới. Ngược lại, theo nghiên cứu, Mỹ chỉ tạo ra được khoảng 18%.
Đây được xem là một bước nhảy vọt lớn của Trung Quốc vì 3 năm trước, nước này mới chỉ sản sinh ra 1/3 nhân tài hàng đầu thế giới trong khi tỷ lệ của Mỹ vẫn giữ nguyên.
Theo New York Times, sự chênh lệch tài năng đã diễn ra trong hơn 1 thập kỷ qua. Trong phần lớn những năm 2010, Mỹ được hưởng lợi khi một lượng lớn các bộ óc hàng đầu của Trung Quốc chuyển đến các trường đại học Mỹ để lấy bằng tiến sĩ. Phần lớn trong số họ cũng chọn ở lại đây.
Hội nghị AI thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 7/2023. Ảnh: Getty Images |
Nhưng nghiên cứu chỉ ra xu hướng này đang bắt đầu thay đổi, với số lượng các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở lại quê hương họ ngày càng tăng.
Những gì sắp xảy ra trong vài năm tới có thể rất quan trọng khi cả 2 cường quốc này chạy đua giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực AI và biến các nhà nghiên cứu thành một trong những nhóm quan trọng nhất về mặt địa chính trị trên thế giới.
Hiện tại, AI tạo sinh đang đang chiếm lĩnh ngành công nghệ ở Mỹ lẫn Trung Quốc, tạo nên làn sóng đầu tư và tài trợ điên cuồng. Sự bùng nổ này được dẫn dắt bởi những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Google và các công ty khởi nghiệp như OpenAI.
Các chuyên gia cho rằng điều đó có thể thu hút các nhà nghiên cứu Trung Quốc, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Do đó, đất nước tỷ dân đang bồi dưỡng rất nhiều tài năng AI, đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và giáo dục về AI trong những năm gần đây.
Một chiếc camera sử dụng AI tại mỏ than Lilou ở Hà Trạch, Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock |
Kể từ năm 2018, Damien Ma - CEO của MacroPolo, cho biết quốc gia này đã bổ sung hơn 2.000 chương trình đại học liên quan đến AI, trong đó có hơn 300 chương trình tại các trường đại học ưu tú nhất. Dù vậy, ông lưu ý rằng các chương trình này không tập trung nhiều vào công nghệ đứng sau việc thúc đẩy những đột phá của chatbot như ChatGPT.
Bên cạnh đó, Mỹ có thể là nước đi tiên phong trong những đột phá về AI, gần đây nhất là chatbot, nhưng không ít đóng góp của những thành tựu này đều đến từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Những người này hiện chiếm 38% trong số các nhà nghiên cứu AI hàng đầu đang làm việc tại Hoa Kỳ, còn người Mỹ chiếm 37%. Cách đây 3 năm, Trung Quốc chiếm 27% số nhân tài hàng đầu làm việc tại Mỹ, thấp hơn chút so với 31% chuyên gia từ Mỹ.
Matt Sheehan, một thành viên tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie và người nghiên cứu về AI của Trung Quốc, bình luận: “Dữ liệu cho thấy tầm quan trọng của các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc đối với Mỹ về khả năng cạnh tranh AI”.
Ngoài ra, Pieter Abbeel, giáo sư tại Đại học California, đồng thời là người sáng lập start-up robot Covariant, nói rằng việc hợp tác cùng với nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc là điều hiển nhiên trong các công ty và trường đại học hàng đầu của Mỹ.