Ngay sau khi Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp APEC, nỗi đau về những lời hứa hẹn, tiên tri giá cổ phiếu của các cựu lãnh đạo FLC, Louis Holdings, Trí Việt hay APEC đã quay trở lại.
Như đã thông tin trong các bài viết trước, nhóm cổ phiếu APEC (gồm các mã APS, API và IDJ) không còn là những cái tên xa lạ đối với thị trường chứng khoán trong 3 năm qua, nhất là sau chuỗi tăng điểm 400 - 600% chỉ trong giai đoạn tháng 7 - 11/2021.
Gương mặt lãnh đạo được nhiều người biết đến nhất đại diện cho nhóm cổ phiếu này chính là doanh nhân quê Bắc Ninh - Nguyễn Đỗ Lăng (SN 1974).
Hiện tại, dù không còn trực tiếp nắm giữ vai trò cao nhất tại các thành viên APEC Group song ông Lăng vẫn đảm nhiệm một số chức vụ như Thành viên HĐQT API, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc APS. Thêm vào đó, tầm ảnh hưởng của vị doanh nhân cũng là rất rõ nét đối với nhịp hồi phục 200 - 300% của nhóm cổ phiếu này trong 7 tháng qua.
Trong thông báo phát đi ngày 23/6/2023, Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp APEC gồm CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).
Chưa rõ ông Lăng có liên quan trong vụ án này song nhìn lại vụ việc tương tự xảy ra tại nhóm cổ phiếu FLC hay hệ sinh thái Louis, dễ thấy có những điểm tương đồng khi những người đứng đầu từng rất nhiều lần chia sẻ và hứa hẹn về triển vọng giá cổ phiếu. Đằng sau những lời hứa là thực tế đáng buồn, là nỗi đau của hàng vạn cổ đông. Dưới đây là trích dẫn một số phát ngôn tiêu biểu:
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc Chứng khoán APEC:
- Thời điểm nhóm cổ phiếu APEC bứt mạnh giai đoạn tháng 7 - 11/2021, trước nghi vấn của cổ đông về động thái "lái" giá cổ phiếu, tại ĐHCĐ bất thường năm 2021 của API, ông Nguyễn Đỗ Lăng từng tự tin khẳng định: "Công ty làm đúng luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, chúng tôi cam kết xử lý nghiêm".
- Tại ĐHCĐ 2021 của Chứng khoán APS, ông Lăng từng chia sẻ giai đoạn đi lái cổ phiếu trước khi thôi không lái nữa.
- Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của APS đầu tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Đỗ Lăng tự tin cho rằng nhiều quỹ hàng đầu đánh giá định giá của các cổ phiếu APEC chưa đúng giá trị thực. Giá cổ phiếu bất động sản nhóm APEC hiện đã cao hơn so với giá cổ phiếu các công ty địa ốc hàng đầu tại Việt Nam. Trong tương lai, sẽ không ngạc nhiên khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba lần hiện tại.
“Hiện tại, các cổ phiếu trong nhóm APEC đang có cơ hội cao trở thành “hoa hậu” trong năm 2023 này. Việc trở thành “hoa hậu” đã khó thì việc giữ danh hiệu trong những năm tiếp theo cũng vô cùng thách thức”, ông Lăng cho biết.
"Chứng khoán mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui, vô cùng thăng hoa những cũng đem tới quá nhiều đau khổ. Buồn nhất là khi giá cổ phiếu xuống, chúng ta lại bán “đúng đáy” rồi chứng kiến giá tăng trở lại. Đau kinh khủng luôn!
Vị lãnh đạo Chứng khoán APEC cũng chia sẻ trải nghiệm "đu đỉnh HPG giai đoạn 2008 - 2009 và cổ phiếu giảm về đáy. Khi thấy nó nhú lên sướng quá nên chốt lãi luôn. Bán xong thì cổ phiếu phi lên cao. Đau thắt ruột nhưng chỉ biết cười trong trầm cảm".
"Những lúc vui, đầu tư cổ phiếu kiếm x2, x3 lần tài khoản thì ngày vui rất ngắn", một cảm xúc khác của CEO APS.
“Khi giá cổ phiếu lên đủ kỳ vọng thì nhà đầu tư có thể “chốt lời”. Chung thuỷ với cổ phiếu cũng tốt, nhưng việc tự thưởng thành quả cũng là niềm vui”, ông Lăng cho biết.
Ông Đỗ Thành Nhân - cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings:
- Quý 3/2021, cổ phiếu TGG - BII từ dưới mệnh giá bất ngờ tăng mạnh lên vùng giá 30.000 - 75.000 đồng/cp trước khi lao dốc từ cuối tháng 9 cùng năm.
Ở thời điểm đó, cựu lãnh đạo Đỗ Thành Nhân thường xuyên có những chia sẻ về các cổ phiếu trong “họ Louis” trên Facebook cá nhân và trong group Louis Family.
Cụ thể, vào đầu tháng 9/2021, ông Nhân “tiên tri” trên Facebook cá nhân rằng: “Từ đây đến cuối năm BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 2X; mọi người cứ chửi thoải mái”.
Đỗ Thành Nhân tiên tri giá cổ phiếu trên trang cá nhân |
- Ngày 16/9/2021, sau khi CTCP Louis Capital gửi công văn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trần tình về việc không thực hiện bất cứ hành vi tác động đến giá cổ phiếu, nêu quan điểm với cộng đồng nhà đầu tư ông Đỗ Thành Nhân khẳng định: "Vàng thật không sợ lửa".
Dù nổi tiếng trong giới đầu tư nhưng cựu lãnh đạo này từng nhiều lần khẳng định: "Tôi không phải là dân tài chính và cũng không biết gì về chứng khoán, hoàn toàn F0 mới bước vào thị trường khốc liệt này".
Cho biết mới tiếp xúc với thị trường chứng khoán từ tháng 10/2020, ông Nhân chia sẻ: "Tôi đã hướng cho mình một con đường đi riêng không phải kiếm tiền từ việc mua bán cổ phiếu. Tôi đi theo con đường tôi đã chọn là xây dựng hệ sinh thái bền vững, mạnh lên từ nội lực bên trong và gia tăng giá trị doanh nghiệp".
- Trước thềm ĐHCĐ 2022 của Angimex, ông Đỗ Thành Nhân chia sẻ: "Sau những biến động cổ phiếu trong năm 2021, tôi rút kinh nghiệm sẽ chỉ tập trung kinh doanh trong đó Louis Holdings sẽ không M&A thêm bất kỳ công ty nào và chỉ phát triên trên danh mục hiện tại là SMT, AGM, LDP, TGG và BII".
Cựu lãnh đạo cũng đồng thời cho biết, Louis Holdings theo lộ trình sẽ lên UPCoM trong quý 2/2022. Thời điểm chia sẻ thông tin, các mã TGG, BII, AGM, LPD,... đang có nhịp hồi mạnh. Tuy nhiên khi nhấn mạnh điều này, ông Nhân nói: "Việc lên xuống là do giá thị trường, tôi không quan tâm đến cổ phiếu".
Ông Phạm Thanh Tùng - cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt:
- Tại ĐHCĐ thường niên 2022 của Chứng khoán Trí Việt (TVB) ngày 25/6, Ban lãnh đạo CTCP Chứng khoán Trí Việt đã trả lời chất vấn của cổ đông liên quan tới vụ cựu Tổng Giám đốc Đỗ Đức Nam bị bắt vì thao túng giá chứng khoán nhóm cổ phiếu Louis.
Về vụ việc này, ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT khẳng định cá nhân ông không liên quan gì đến cổ phiếu Louis cũng như việc cựu CEO Đỗ Đức Nam. “Cá nhân tôi không gặp gỡ, không tiếp xúc, không hợp tác, không quen biết, không có lợi ích, không có bất kỳ chỉ đạo, trao đổi nào với Tổng Giám đốc Nam về những hoạt động mà cựu tổng giám đốc triển khai. Những hoạt động đó hoàn toàn là hoạt động cá nhân của ông Nam”.
Ông Tùng phân trần, ngay khi HĐQT và cá nhân ông Tùng có được những thông tin bên lề nghi ngờ việc Tổng Giám đốc Nam liên quan đến nhóm cổ phiếu Louis, TVB đã tiến hành khoảng 20 cuộc họp gồm họp nội bộ HĐQT, HĐQT họp với ban điều hành, HĐQT họp riêng với ông Nam. Ông Tùng và ông Đỗ Thanh Hà - thành viên HĐQT cũng đã bay vào TP. HCM gặp riêng ông Nam. Trong tất cả lần gặp mặt, Đỗ Đức Nam đều khẳng định không liên quan đến Louis và chỉ đang phát triển kinh doanh đơn thuần.
Ông Tùng cho biết cũng đã trao đổi trong các cuộc họp, gala Công ty rằng: “Chúng ta phải nghi ngờ tất cả, chúng ta phải nghi ngờ ngay cả những người xung quanh”.
Ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC:
- Cuối năm 2015, tại buổi gặp mặt các thành viên thị trường và các nhà đầu tư tại FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort, ông Trịnh Văn Quyết từng cam kết: “Nếu năm 2016, cổ phiếu FLC vẫn dưới mệnh giá, thì tôi sẽ huy động mọi nguồn lực cá nhân, thậm chí cầm cố tài sản để mua lại cổ phiếu FLC. Bởi vì hơn ai hết, tôi biết rất rõ hoạt động kinh doanh của FLC, số nợ nằm ở đâu, tổng tài sản thực là bao nhiêu”.
- Ngày 24/4/2017: Trả lời câu hỏi tại sao cổ phiếu chỉ có giá 8.000 đồng, ông Quyết cho biết: "Cổ phiếu dưới giá trị, bản thân tôi cũng không vui gì. FLC là cổ phiếu thị trường, luôn dẫn đầu về thanh khoản khi có hàng trăm ngàn cổ đông nhỏ lẻ.
Nhà đầu tư ào ào bán xuống khi thị trường đi xuống mà không cần quan tâm FLC như thế nào và khi đi lên cũng thế. Chúng tôi cũng nhiều lần khuyến nghị rằng cổ đông giữ vững niềm tin vào FLC. Nếu cổ đông tự tin, thì những ai giữ vững đều có lợi nhuận.
Nhiều năm qua, lợi nhuận FLC luôn tăng trưởng nhưng cổ phiếu vẫn có giá thấp thì cũng phải chấp nhận điều đó. Chính cổ đông chúng ta làm ảnh hưởng tới uy tín của Tập đoàn FLC vì khi giá cổ phiếu xuống, nhà đầu tư lên diễn đàn, thậm chí nhờ báo chí nói FLC không ra gì".
- ĐHCĐ ngày 12/6/2018: Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tại sao giá cổ phiếu FLC chưa về mệnh giá 10.000 đồng/cp, ông Trịnh Văn Quyết cho biết giá cổ phiếu FLC đã dưới mệnh giá trong nhiều năm song vẫn được nhiều nhà đầu tư yêu thích. Nhà đầu tư muốn mua bao nhiêu cũng có, bán bao nhiêu cũng có người mua. "Quý vị hãy tin tôi đi! Hãy kiểm chứng những lời tôi nói. Trong những năm tới FLC sẽ về mệnh. Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả!”.
Ông Quyết cũng khẳng định, nếu cổ phiếu dưới mệnh giá, FLC sẽ không tăng vốn.
“Cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay”
- Giữa tháng 6/2019, tại ĐHCĐ thường niên 2019 của Tập đoàn FLC, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh cổ phiếu ROS giảm giá kéo dài, ông Quyết lại tiếp tục cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay, đồng thời khẳng định rằng chưa có kế hoạch bán trong những năm sau. “Tôi và các cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 80% vốn ROS và sẽ không bán ra ngoài, nếu có bán cũng chỉ chuyển sang tay cổ đông khác”.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, ông Quyết đã bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros từ 67,34% xuống còn 55,01%. Đến ngày 4/12 cùng năm, ông Quyết lại tiếp tục đăng ký bán 21 triệu cổ phiếu ROS.
Cũng tại ĐHCĐ thường niên 2019, ông Quyết cho rằng giá cổ phiếu trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực của Tập đoàn. "Giá cổ phiếu thấp tôi cũng thấy buồn lắm, đến mức có thời gian cả tháng tôi không xem bảng điện tử".
Cựu lãnh đạo tập đoàn FLC cho rằng cổ phiếu FLC còn có điểm hấp dẫn hơn ROS vì tính thanh khoản cao: "Cổ đông đang không đánh giá đúng giá trị thực của cổ phiếu vì từ nhiều năm nay FLC luôn được nhà đầu tư quan tâm nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cổ đông lớn chỉ sở hữu khá ít, không cô đặc như ROS. Nếu tôi bỏ tiền ra mua thêm 10 - 20% vốn của FLC nữa thì chắc chắn giá cổ phiếu sẽ khác.
"Tuy nhiên hiện giờ tôi chưa mua cổ phiếu FLC vì cho rằng chưa cần thiết. Tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu. Một là để có thời gian chuẩn bị tài chính cho cá nhân mình; hai là kêu gọi nhà đầu tư lớn để cùng sở hữu với tôi. Tôi vẫn xin hứa với cổ đông tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để mua vào để cổ phiếu FLC không còn ở dưới mệnh giá”.
- Ngày 18/11/2019, ông Trịnh Văn Quyết lại khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố 2 mã cổ phiếu BAV của Bamboo Airways và FHH của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes sẽ đạt mức "3 con số" đồng thời khẳng định cổ phiếu FLC sẽ về lại mức mệnh giá trong năm 2020. “Nếu 3 mã cổ phiếu này không làm được việc đó, tôi sẽ xin phá sản và thương hiệu FLC coi như vứt đi”.
Cổ phiếu họ APEC giảm sàn: Pha rũ hàng của dòng tiền tạo lập?