Theo lãnh đạo NHNN, nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng thấp đến từ cả lý do khách quan và chủ quan, trong đó một phần do sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp.
Chiều nay (31/3), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong quý 1/2023
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 28/3 tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Mức này tăng hơn 11% so với cùng kỳ, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo NHNN là "không cao" so với giai đoạn cuối năm 2022. Nguyên nhân của việc này đến từ cả lý do khách quan và chủ quan, trong đó một phần do sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp.
Phó Thống đốc đánh giá: "Khó khăn doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề. Nhu cầu tín dụng của một số một số lĩnh vực chững lại".
Đại diện NHNN cũng cho biết, đã gặp nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để nghe báo cáo, phản ánh khó khăn. "Một phần là họ thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ", ông Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết thêm, cơ quan quản lý đang xem xét chính sách hỗ trợ do yếu tố khách quan này. Ngoài ra, một phần nguyên nhân do quý 1 trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, việc đầu tư, triển khai một số dự án bị ảnh hưởng.
Trước đó, số liệu của Tổng Cục Thống kê cũng cho biết, tính đến thời điểm ngày 20/03/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 trong khi cùng kỳ tăng 2,49%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77% trong khi cùng kỳ tăng đến 2,15%.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 20/3/2023 chỉ đạt 1,61% trong khi cùng kỳ con số này là 4.03%. Như vậy, trong quý 1/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, tín dụng sẽ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NNHNN.
Lãnh đạo ngân hàng nêu lý do khó giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao: Tín hiệu gì từ thanh khoản hệ thống?