Lào vừa xuất khẩu một mặt hàng sang Trung Quốc, Việt Nam thêm một đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường tỷ dân
Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Laotian Times đưa tin, vào đầu tháng 4/2025, Lào đã xuất khẩu thành công lô cá tra nước ngọt nuôi đầu tiên sang Trung Quốc, đánh dấu một cột mốc lịch sử cho ngành thủy sản của quốc gia này.
Lô hàng đã được thông quan tại Cảng Shekou ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vào ngày 31/3 và hiện đã đến tay người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên các sản phẩm thủy sản từ Lào trực tiếp thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Cá được nuôi và chế biến tại Khu công nghiệp cá tra sông Mekong ở huyện Khong, tỉnh Champasack. Khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động vào năm 2024 và dự kiến sẽ sản xuất 20.000 tấn cá tra hàng năm, với công suất chế biến là 12.000 tấn - sản lượng có giá trị khoảng 330 triệu CNY (hơn 44 triệu USD).
Khi đi vào hoạt động hoàn toàn, cơ sở này đặt mục tiêu chế biến hơn 500.000 tấn cá tra mỗi năm. Điều này không chỉ giúp thiết lập một ngành xuất khẩu lớn cho Lào mà còn góp phần tạo ra nguồn cung cấp cá ổn định cho thị trường Trung Quốc.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Laotian Times |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ đứng sau Nga, với trị giá gần 3 tỷ USD.
Số liệu của VASEP cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá thịt trắng nhiều nhất thế giới. Còn theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), kể từ năm 2004 – 2023, Trung Quốc đại lục đã tiêu thụ gần 25 tỷ USD cá thịt trắng từ thế giới. Trong đó Nga là nguồn cung cá thị trắng lớn nhất cho thị trường tỷ dân này với 15 tỷ USD, chiếm 60% tỷ trọng. Việt Nam đứng vị trí thứ hai với gần 3 tỷ USD, chiếm 11% tỷ trọng trong khoảng 20 năm qua của nước này.
Tại Việt Nam, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 3/2025, xuất khẩu cá tra đem về 181 triệu USD, so với tháng 3/2024 ghi nhận tăng 16,1%.
Trong đó, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh (mã HS0304) đạt 373 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; cá tra khô và các sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc) đạt 80 triệu USD, tăng 9%; cá tra giá trị gia tăng (mã HS16) đạt 13 triệu USD, tăng 45%.
Những thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam gồm: Trung Quốc và Hồng Kông đạt 105 triệu USD, giảm 6%; Mỹ đạt 69 triệu USD, tăng 6%; Brazil đạt 48 triệu USD, tăng mạnh 73%; EU đạt 45 triệu USD, tăng 16% và Thái Lan đạt 20 triệu USD, tăng 22%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo ngành cá tra Việt Nam trong năm 2025 sẽ duy trì sản lượng khoảng 1,65 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng vẫn hướng đến kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD. Mục tiêu này được đánh giá là khả thi, dựa trên tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế và lợi thế từ các FTA đang phát huy hiệu quả.
Không còn là món quê, cá rô phi Việt Nam đang trở thành sản phẩm xuất khẩu được thế giới ưa chuộng
TP.HCM: 14 đơn hàng xuất khẩu trị giá gần 14 tỷ đồng bị hủy trong nửa tháng