Vĩ mô

Không còn là món quê, cá rô phi Việt Nam đang trở thành sản phẩm xuất khẩu được thế giới ưa chuộng

Phúc Lam 24/04/2025 11:08

Trong quý I/2025, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ là quốc gia nhập khẩu cá rô phi nhiều nhất thế giới, trong khi Trung Quốc xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, căng thẳng trong chính sách thuế quan giữa hai quốc gia này đã tạo cơ hội cho các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quy mô thị trường cá rô phi toàn cầu đạt 10,6 tỷ USD năm 2024, dự báo đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2033 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 3,52%.

Bên cạnh đó, sản lượng cá rô phi toàn cầu đạt khoảng 7 triệu tấn trong năm 2024 và dự kiến năm 2025 đạt 7,3 triệu tấn.

Tại Việt Nam, xuất khẩu cá rô phi (bao gồm cả cá rô phi (black tilapia) và cá điêu hồng (red tilapia)) đạt 41 triệu USD, tăng 138% so với năm 2023. Trong đó, cá điêu hồng (red tilapia) đạt 13 triệu USD, tăng 20%, còn cá rô phi (black tilapia) đạt 28 triệu USD, tăng ấn tượng 348%.

Thị trường Mỹ là điểm sáng lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt 19 triệu USD, tăng 572%. Những thị trường khác cũng ghi nhận những kết quả tích cực như: xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 992 nghìn USD, tăng gấp đôi so với năm 2023; sang Trung Đông đạt gần 2 triệu USD, tăng 60%.

Ngoài ra, một số thị trường ghi nhận sự sụt giảm như: EU đạt 4 triệu USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt hơn 2 triệu USD, giảm 9%; ASEAN đạt hơn 1 triệu USD, giảm 33%.

Trong quý I/2025, xuất khẩu cá rô phi đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ tiếp tục tỏa sáng trở thành thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ đạt hơn 6 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm 46% tỷ trọng. Ngoài ra, xuất khẩu sang Nga đạt 1,8 triệu USD; Bỉ đạt 700 nghìn USD...

>>Mặt hàng Việt triệu đô được săn đón tại hơn 75 thị trường, nhưng Mỹ và EU lại chững: Điều gì đang xảy ra?

Không còn là món quê, cá rô phi Việt Nam đang trở thành sản phẩm xuất khẩu được thế giới ưa chuộng
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới (27-32°C), diện tích mặt nước lớn (3.300 ha tại ĐBSCL), lý tưởng cho nuôi cá rô phi với chu kỳ ngắn (5-6 tháng, 600-800g/con) với chi phí thấp, công nghệ bể bạt tăng năng suất, giảm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc suy giảm nguồn cung cá rô phi và phải chịu mức thuế quan cao cũng gián tiếp tạo cơ hội cho Việt Nam và các thị trường khác xuất khẩu cá rô phi.

Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu cá rô phi ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Theo VASEP, giống và dịch bệnh có thể coi là một trong những thách thức lớn nhất của ngành cá rô phi Việt Nam. Lai cận huyết làm cá sinh trưởng chậm, tỷ lệ fillet thấp chỉ khoảng 33%. Virus TiLV giảm 15% sản lượng. Tháng 2/2024, Brazil chính thức cấm nhập khẩu cá rô phi Việt Nam vì virus này.

Bên cạnh đó, thức ăn cho cá còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chưa chủ động hoàn toàn trong chuỗi cung ứng để đáp ứng ao nuôi.

Các vấn đề về thuế quan và các yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm (FDA), truy xuất nguồn gốc, và lao động bền vững cũng trở thành thách thức lớn đối với Việt Nam trong xuất khẩu cá rô phi.

Ngoài ra, những khó khăn khác đối với xuất khẩu cá rô phi Việt Nam là vấn đề cạnh tranh quốc tế với các nhà cung cấp khác hay chuỗi cung ứng cá rô phi của Việt Nam còn yếu, liên kết lỏng lẻo, thiếu nhà máy đạt tiêu chuẩn, chi phí logistics...

Trước tình hình này, VASEP đưa ra các giải pháp như: doanh nghiệp Việt nên cải tiến sản xuất, đầu tư nghiên cứu giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt; hợp tác với các doanh nghiệp thức ăn để tự chủ thức ăn trong nước; chú trọng nâng cao chế biến bằng việc đầu tư dây chuyền fillet tự động, sản phẩm giá trị gia tăng (hun khói, snack); khuyến khích nuôi đạt chứng nhận ASC, BAP, minh bạch hóa chuỗi cung ứng, sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán miễn thuế Mỹ; cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vấn đề về quỹ thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, quỹ bảo hiểm, phòng vệ thương mại chống kiện bán phá giá, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ vốn...

>>Chuyên gia Phạm Chi Lan: Việt Nam đã ký 17 hiệp định FTA, nhưng lại 'bỏ quên' thị trường lớn nhất

Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Doanh nghiệp thủy sản đề xuất ‘nóng’

Cá rô phi Trung Quốc 'ngạt thở' trước đòn trả đũa của Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khong-con-la-mon-que-ca-ro-phi-viet-nam-dang-tro-thanh-san-pham-xuat-khau-duoc-the-gioi-ua-chuong-287715.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Không còn là món quê, cá rô phi Việt Nam đang trở thành sản phẩm xuất khẩu được thế giới ưa chuộng
    POWERED BY ONECMS & INTECH