Lễ rước nước là nghi lễ độc đáo tại chùa Tam Chúc để dâng nước lễ Phật, lễ Thánh cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Ngày 21/2 đã diễn ra khai hội xuân Tam Chúc (Hà Nam). Tại ngày khai hội có nghi lễ rước nước, dâng nước lễ Phật, lễ Thánh được đông đảo Phật tử và người dân tham gia.
Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ rước nước.
Chia sẻ với PV VietNamNet, Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó trụ trì chùa Tam Chúc cho biết, rước nước chùa Tam Chúc là lễ hội truyền thống trong vùng. Nhà chùa cùng người dân dâng nước lễ Phật, lễ Thánh cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Nghi thức rước nước bắt đầu từ bến thuyền Trung tâm hội nghị quốc tế Vesak di chuyển ra giữa hồ Tam Chúc, lấy nước thiêng tại vòng tròn đã được khoanh vùng, sau đó chuyển lên xe rước nước đến 3 địa điểm là Điện Tam thế, chùa Ngọc và chùa cổ Ba Sao.
Đoàn rước nước gồm vài chục thuyền, trong đó hai thuyền rồng thẳng tiến dong thẳng đến vị trí cắm cây nêu giữa hồ, gần đình Tam Chúc cổ. Đoàn rước đi vòng quanh cây nêu trong thanh âm rộn ràng của trống của chiêng. Nước được lấy từ nơi sâu nhất trong lòng hồ, là nguồn nước sạch nhất, đổ đầy vào các bình gốm.
Nước được rước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn Tế Trời, tọa lạc trên đỉnh ngọn Thất Tinh. Các bình nước được đưa lên xe rước, đặt tại nhiều địa điểm như Tam Quan Nội, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, chùa Ngọc.
Tại lễ khai hội xuân Tam Chúc, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: chùa Tam Chúc nằm trên địa bàn thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là quần thể du lịch - văn hóa - tâm linh lớn nối liền giữa bốn tỉnh, thành là: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình và Hòa Bình.
Trải qua thời gian, chùa Tam Chúc đã bị hư hỏng và không còn nữa nên người dân địa phương không còn duy trì được các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân. Khôi phục Lễ hội chùa Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm là niềm mong mỏi của nhân dân, tín đồ Phật tử địa phương, đồng thời cũng nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá về hình ảnh quê hương, tạo điều kiện để nhân dân và Phật tử trong và ngoài nước đến với Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc.