LG Display bán nhà máy sản xuất màn hình tại Trung Quốc, mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Đầu năm nay, Tập đoàn LG đã quyết định tăng vốn đầu tư vào LG Display Hải Phòng thêm 1 tỷ USD.
LG Display vừa chính thức hoàn tất việc chuyển nhượng nhà máy sản xuất mô-đun và màn hình LCD cỡ lớn tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho công ty China Star Optoelectronics Technology (CSOT), một đơn vị thành viên của tập đoàn TCL. Thương vụ có giá trị 2,246 nghìn tỷ won (tương đương khoảng 1,54 tỷ USD), cao hơn hơn 200 tỷ won so với kỳ vọng ban đầu, theo Business Korea.
Thỏa thuận này đánh dấu bước rút lui hoàn toàn của LG Display khỏi mảng kinh doanh LCD – lĩnh vực từng là trụ cột của hãng trong nhiều năm nhằm tập trung nguồn lực cho chiến lược mở rộng và phát triển công nghệ OLED.
Trước đó, hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, quá trình hoàn tất thương vụ bị kéo dài do nhiều yếu tố, trong đó có biến động tỷ giá. Trong thời gian từ khi ký kết đến nay, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã tăng từ 187,56 won lên 200,82 won, khiến giá trị thương vụ tăng lên đáng kể.
Việc chuyển nhượng chỉ chính thức hoàn tất vào đầu tháng 4/2025, khi TCL đổi tên nhà máy tại Quảng Châu thành "T11" và bắt đầu vận hành toàn diện từ ngày 1/4. Số tiền mua lại sẽ được TCL thanh toán cho LG Display theo nhiều đợt trong suốt năm nay.
![]() |
LG Display mở rộng đầu tư vào Việt Nam |
>> Lo ngại 'cú đấm' thuế quan từ Mỹ, LG tạm dừng mở rộng đầu tư dự án tại Hải Phòng
Khoản thu từ thương vụ này sẽ giúp LG Display tăng cường nguồn lực tài chính cho đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và trang trải chi phí vận hành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực OLED.
Song song với việc thoái vốn tại Trung Quốc, LG cũng tăng cường hiện diện tại Việt Nam. Đầu năm nay, tập đoàn quyết định tăng vốn đầu tư vào LG Display Vietnam Haiphong thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại đây lên 5,65 tỷ USD. Nhà máy tại Hải Phòng hiện chuyên sản xuất màn hình OLED cỡ nhỏ và vừa cho điện thoại, smartwatch, tablet và các thiết bị cầm tay khác, với công suất trung bình 14 triệu sản phẩm mỗi tháng.
Tính đến nay, LG vẫn duy trì ba nhà máy LG Display, gồm hai tại Hàn Quốc và một tại Việt Nam. Riêng tại Hải Phòng, sau tám năm hoạt động mở rộng liên tục, LG hiện tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, xuất khẩu bình quân 5,8 tỷ USD mỗi năm và đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Động thái rút lui khỏi lĩnh vực LCD của LG Display phản ánh xu hướng chung trong ngành công nghiệp màn hình, khi nhiều doanh nghiệp đang chuyển dịch sang công nghệ OLED – vốn được đánh giá cao về chất lượng hình ảnh và khả năng tiết kiệm năng lượng.
Về triển vọng tài chính, sau hai năm thua lỗ, LG Display bắt đầu ghi nhận tín hiệu phục hồi. Năm ngoái, công ty lỗ hoạt động 560,6 tỷ won, giảm mạnh so với mức lỗ hơn 2.510,2 tỷ won năm trước đó. Với đà cải thiện này, LG Display dự báo sẽ có lãi trong năm nay, với lợi nhuận hoạt động ước đạt 652,3 tỷ won.
>> Hai công ty con tại Việt Nam 'cân' hơn nửa lợi nhuận của LG toàn cầu
Lo ngại 'cú đấm' thuế quan từ Mỹ, LG tạm dừng mở rộng đầu tư dự án tại Hải Phòng
Hai công ty con tại Việt Nam 'cân' hơn nửa lợi nhuận của LG toàn cầu