[Live ĐHCĐ Vinamilk] Bà Mai Kiều Liên: 'Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo hoạt động kinh doanh, cổ tức cao nhất cho cổ đông"
Vinamilk (VNM) cam kết Net Zero Carbon 2050 và là đơn vị đầu tiên của Việt Nam chủ động đăng ký tham gia sáng kiến toàn cầu ngành sữa về Net Zero.
Những người thường tham dự Đại hội cổ đông của Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) hoặc biết đến Vinamilk đều nhận ra: Cổ đông của Vinamilk không chỉ có những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, những traders thường xuyên mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán mà còn cả những nông dân, những chủ đại lý phân phối sữa đã và đang đồng hành cùng công ty trên chặng đường kinh doanh. Thậm chí, có những cán bộ công nhân viên lâu năm của Vinamilk đã về hưu cũng đặt niềm tin vào Doanh nghiệp sữa số 1 Việt Nam. Năm nay, Vinamilk tổ chức ĐHCĐ theo hình thức trực tuyến.
Đại hội cổ đông năm 2024 của Vinamilk đang diễn ra tại ngay trụ sở của công ty. Cũng như mọi năm, năm nay, Vinamilk sẽ đệ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. Tuy vâỵ, những quan tâm tại đại hội không đơn thuần là con số doanh thu, lợi nhuận. Nhà đầu tư quan tâm đến nhiều hoạt động khác của Doanh nghiệp sữa số 1 Việt Nam.
ESG, chữ Tâm, kế hoạch kinh doanh tiếp tục tăng trưởng
3 chữ cái E (Environment); S (Social); G (Governance) là thứ Vinamilk theo đuổi hàng chục năm nay. Giữa năm 2023, Vinamilk đưa 3 chữ cái ESG của công ty lên tầm cao mới khi tiên phong đưa ra cam kết quan trọng và đầy thách thức cho mình: Net Zero 2050. Nghĩa là, câu chuyện hành động vì E, vì môi trường sống trong tương lai của nhân loại đã được Vinamilk cam kết và từng bước thực hiện.
ESG quan trọng đối với không chỉ hành trình phát triển của Vinamilk mà còn đối với toàn xã hội. Vì Vinamilk nắm giữ đến hơn một nửa thị phần sữa của cả nước với doanh thu hàng năm lên đến hơn 60.000 tỷ đồng nên đương nhiên mỗi một hành động trong sản xuất kinh doanh của Vinamilk sẽ tác động xuyên suốt tới rất nhiều người, từ cổ đông đến cộng động, người lao động và cả Chính phủ. Lựa chọn của Công ty sữa số 1 Việt Nam là phải hài hòa cao nhất lợi ích của các bên liên quan và để làm được điều này, Vinamilk đang chọn con đường ESG.
>> Công bố thêm một nhà máy đạt trung hoà Carbon, Vinamilk tiến nhanh trên hành trình đến Net Zero
Vinamilk nhận thức rõ ràng thách thức về biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa tương lai nên luôn đặt mục tiêu và hành động để giảm thiểu tác động của hoạt động chuỗi giá trị lên môi trường và xã hội. Chính vì thế, với chữ ESG, Vinamilk đặt ra 4 “trục” nhiệm vụ để thực thi hành động.
Thứ nhất, Vinamilk cam kết Net Zero Carbon 2050 và là đơn vị đầu tiên của Việt Nam chủ động đăng ký tham gia sáng kiến toàn cầu ngành sữa về Net Zero. Năm 2023 đánh dấu một cột mốc đáng ghi nhận khi có 2 đơn vị đầu tiên của Vinamilk đạt chứng nhận trung hòa carbon, đó là Nhà máy Sữa Nghệ An và Trang trại Bò sữa Nghệ An. Trong lộ trình thực hiện cam kết, Vinamilk đã và đang triển khai các dự án năng lượng mặt trời và sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy và trang trại để thực thi cam kết sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu lượng khí thải trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, Vinamilk đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm có dấu chân carbon thấp hơn trong đó có việc tích cực trồng rừng và hợp tác trong các dự án tái tạo rừng. Việc trồng cây không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường như hấp thụ carbon, cung cấp oxy, giảm nhiệt độ môi trường, mà còn góp phần vào việc tạo ra một chuỗi giá trị bền vững trong hoạt động kinh doanh của Vinamilk.
Trục thứ hai đó là, Vinamilk tập trung vào việc phát triển nông nghiệp bền vững tại tất cả các trang trại. 100% trang trại của Vinamilk đều đã đạt chuẩn GlobalG.A.P. Với việc làm này, Vinamilk không chỉ tạo ra nguồn nguyên liệu sữa chất lượng cao mà còn thể hiện quyết tâm hành động vì môi trường, chất lượng và dinh dưỡng đất, phúc lợi động vật và đa dạng sinh học. Ngoài ra, Vinamilk chia sẻ giá trị, hỗ trợ các nông hộ bằng cách cam kết thu mua toàn bộ sữa tươi với giá cả ổn định và cạnh tranh, ký kết hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, Vinamilk chú trọng vào việc quản lý chất thải và tái chế. Trong nỗ lực này, Vinamilk không ngừng triển khai nhiều hoạt động để chuyển sang kinh tế tuần hoàn, trong đó nỗ lực nghiên cứu chuyển hóa chất thải thành tài nguyên và tận dụng các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường để hạn chế tác động đến tài nguyên thiên nhiên.
Thứ tư, Vinamilk tăng cường tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, phát triển kinh tế địa phương và triển khai nhiều chương trình giáo dục và hỗ trợ cộng đồng.
Chữ Nhẫn và dấu hỏi bao giờ thành quả kinh doanh “ngấm” vào giá cổ phiếu VNM?
Lựa chọn phát triển bền vững giúp Vinamilk là doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ 2 năm liên tiếp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức. Vinamilk hiện đã ghi dấu ấn không chỉ tại thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế khi đưa sữa Việt hiện diện tại 60 thị trường xuất khẩu. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của Vinamilk lên tới 3 tỷ USD.
Về mặt kinh doanh, Vinamilk duy trì mức doanh thu cao bậc nhất khối doanh nghiệp niêm yết với 60.479 tỷ đồng. Công ty ghi nhận 10.968 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023 tức tăng 472 tỷ đồng so với năm 2022.
Năm 2023, Vinamilk cũng ghi nhận 4 triệu đơn hàng trực tuyến trong giai đoạn đầu đẩy nhanh thương mại điện tử.
Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện tại, mỗi năm Vinamilk đóng góp hàng nghìn tỷ đồng thuế cho ngân sách. Riêng năm 2023, Vinamilk nộp ngân sách Nhà nước 3.820 tỷ đồng.
Đối với quyền lợi dành cho cổ đông, Vinamilk là doanh nghiệp hiếm hoi đạt thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao và từ đó, chi trả cổ tức cao cho cổ đông. Riêng năm 2023, Vinamilk đã 3 lần tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 2.900 đồng/cổ phiếu. Nếu được cổ đông thông qua tại Đại hội lần này, Vinamilk sẽ chi thêm 950 đồng/cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vinamilk cũng thể hiện nhiều nét đột phá khi ông lớn ngành sữa tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 11.516 tỷ đồng, tăng 5% so với 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Vinamilk sẽ có 3 năm liên tiếp lãi trên 10.000 tỷ. Vinamilk cũng thông qua kế hoạch 63.163 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 2.684 tỷ đồng so với thực hiện 2023.
Tại Vinamilk, mọi thứ đều đang vận hành theo hướng tích cực nhưng giá cổ phiếu của VNM hiện nay đang duy trì quanh ngưỡng 65.000 đồng/cổ phiếu tức ở vùng đáy giá nhiều năm. Tại Đại hội cổ đông, một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi vì sao giá cổ phiếu của VNM thấp như thế. Trả lời câu hỏi của cổ đông, bà Mai Kiều Liên cho biết: "Vinamilk có quá nhiều việc phải làm nên không quá để ý đến giá cổ phiếu, chúng tôi làm tất cả mọi điều để đảm bảo hoạt động kinh doanh vận hành suôn sẻ, hiệu quả và có thể trả cổ tức cao nhất cho cổ đông".
Tại Đại hội cổ đông năm nay, Vinamilk trình cổ đông kế hoạch cổ tức bằng tiền năm 2024 lên đến 38,5% tức mỗi cổ phiếu của cổ đông hiện hữu được nhận lên đến 3.850 đồng/cổ phiếu.
Nếu không kiểm soát chi phí, lợi nhuận của Vinamilk không thể cao đến thế!
Đại hội cổ đông năm 2024 này, Vinamilk nhận đến hơn 20 câu hỏi của cổ đông qua hệ thống họp ĐHCĐ trực tuyến. Một trong những băn khoăn của cổ đông là liệu Vinamilk có cắt giảm được chi phí để gia tăng lợi nhuận nữa không. Trả lời câu hỏi này, bà Mai Kiều Liên khẳng định nếu không liên tục tiết kiệm chi phí và quản lý chi phí thì lợi nhuận của Vinamilk không tốt như thế này và không thể trả cổ tức cao cho cổ đông như thế này.
Đối với việc giá nguyên liệu đang ở mức thấp tạo cơ hội để lợi nhuận đạt cao hơn nhưng Vinamilk đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 5% và doanh thu tăng 2.684 tỷ đồng so với 2023, bà Mai Kiều Liên cho biết công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở thận trọng và đây không phải kế hoạch tăng trưởng thấp so với ngành.
Đặc biệt, một nhà đầu tư quan tâm sâu đến hoạt động thương mại điện tử của Vinamilk, đặt câu hỏi: "Tại sao trên kênh trực tuyến không bán tất cả các mặt hàng? Tôi thường mua sữa chua Nha đam nhưng hệ thống toàn bắt tôi phải mua 48 hộp?". Trả lời câu hỏi của cổ đông, bà Mai Kiều Liên thông tin thêm, sàn thương mại điện tử của Vinamilk chỉ bán một số mặt hàng chứ không phải bán tất cả mặt hàng. Riêng lý do vì sao mặt hàng sữa chua Nha đam lại yêu cầu phải đặt nguyên thùng thì Vinamilk sẽ cho kiểm tra lại. Sàn thương mại điện tử doanh số tăng gấp đôi nên có thể thấy Vinamilk đang đi đúng hướng trong bối cảnh tiêu dùng chung sụt giảm".
Đại hội cổ đông Vinamilk kết thúc với tỷ lệ đồng thuận cao của cổ đông. Như vậy, Vinamilk chốt kế hoạch 11.516 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2024 đồng thời sẽ chinh phục đỉnh cao mới về doanh thu với 63.163 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông của Vinamilk cũng phê duyệt mức cổ tức 2024 là 38,5% tức mỗi cổ phiếu của cổ đông hiện hữu được nhận 3.850 đồng.
>> Quỹ Singapore dự kiến chi hơn 1.400 tỷ đồng để gom cổ phiếu Vinamilk (VNM)
Quỹ Singapore dự kiến chi hơn 1.400 tỷ đồng để gom cổ phiếu Vinamilk (VNM)
'Quả ngọt' từ chiến dịch thay đổi nhận diện, Vinamilk (VNM) báo lãi quý IV/2023 tăng hơn 25%