Như đã dự đoán trước đó, hiệu ứng "Sell in May" có vẻ đã đúng với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5/2022.
Bối cảnh nhiều thị trường toàn cầu điều chỉnh mạnh đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, thông tin tiêu cực đẩy áp lực bán gia tăng tại nhiều nhóm cổ phiếu. Trong khi đó, các yếu tố nội tại về vĩ mô hay tăng trưởng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong nước vẫn đang ghi nhận tương đối khởi sắc.
Mặt khác, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán của các cơ quan chức năng thời gian qua đang giúp thị trường ngày càng trở nên minh bạch và phát triển bền vững hơn.
Nối tiếp những biến động tiêu cực trong tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống trong tháng 5 khi VN-Index đóng ở mức 1.292,68 điểm - giảm 74,12 điểm (-5,42% so với cuối tháng 4); HNX-Index giảm 50,07 điểm (-13,69%) xuống 315,76 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 8,86 điểm (-8,5%) xuống 95,45 điểm.
Mặc dù thị trường chung hồi phục đáng kể song thanh khoản tiếp tục mất hút khi giá trị giao dịch bình quân trong tháng chỉ đạt hơn 17.700 tỷ đồng/phiên - giảm hơn 30% so với giá trị giao dịch trong tháng trước.
Tuy nhiên, bất chấp thị trường có nhịp điều chỉnh sâu, vẫn có những cổ phiếu đã lội ngược dòng ấn tượng, ghi nhận đà tăng tương đối vững chắc.
Vị trí quán quân tăng điểm trong tháng 5 này thuộc về cổ phiếu MAC của CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (Maserco).
Sau chuỗi phiên giảm mạnh trong tháng 4, thị giá MAC tiếp tục lùi về giao dịch tại vùng giá 6.100 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu tháng 5/2022. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó đã bứt tốc trong nửa sau của tháng trong đó có 5 phiên tăng kịch trần đan xen những phiên tăng điểm. Thị giá của mã nhanh chóng được kéo tăng xấp xỉ 64% và kết tháng tại mốc 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sang phiên đầu tháng 11, mã này tiếp tục ghi nhận mức tăng 8% lên 10.800 đồng cùng gần 700.000 đơn vị khớp lệnh thành công.
Đáng nói, mặc dù cổ phiếu tăng mạnh song thanh khoản của MAC không có gì đột biến. Thông tin đáng chú ý nhất có lẽ là việc mã này hiện đang nằm trong diện cổ phiếu bị kiểm soát trên HNX và chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế hai năm liên tục 2020 và 2021 là số âm.
Giải trình về việc này, nguyên nhân gây ra khoản lỗ do Maserco phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi, trích lập dự phòng tổn thất đầu tư và ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sản lượng sụt giảm.
Bước sang năm 2022, công ty tiếp tục có thêm một quý làm ăn thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế quý I/2022 âm hơn 625 triệu đồng - "khá khẩm" hơn đôi chút so với khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây đã là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Hiện doanh nghiệp này chưa như công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2022.
Mới nhất, ngày 26/5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Nga đã trở thành cổ đông lớn của công ty sau khi mua 590.000 cổ phiếu MAC qua đó nâng tỷ lệ nắm giữ lên 7,4% vốn tương đương 1,12 triệu đơn vị.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm