Vụ lở đất xảy ra ngày 24/5 tại một ngôi làng hẻo lánh ở phía Bắc nước này đã chôn vùi hơn 2.000 người.
Vào lúc rạng sáng ngày 24/5, một ngọn núi đã bất ngờ sạt xuống hàng chục căn nhà ở vùng núi Enga, phía Bắc Papua New Guinea. Đáng nói, thời điểm xảy ra vụ việc là vào đầu giờ sáng, khi người dân đang ngủ say. Vụ lở đất kinh hoàng đã san phẳng một ngôi làng hẻo lánh, khoảng 1.250 người đã phải sơ tán, hơn 150 ngôi nhà bị chôn vùi và khoảng 250 ngôi nhà gần đó đã bị người dân bỏ hoang.
Trong lá thư gửi Liên Hợp Quốc, Ông Lusete Laso Mana, quyền Giám đốc Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea cho biết: “Vụ lở đất đã chôn sống hơn 2.000 người, tàn phá nhiều căn nhà và trang trại, cũng như gây ảnh hưởng lớn đến huyết mạch kinh tế của đất nước”. Ông Mana cũng tiết lộ thêm rằng tuyến đường cao tốc chính dẫn đến khu vực Enga cũng đã bị tắc nghẽn hoàn toàn do lở đất.
Trong ngày 27/5, các đội cứu hộ khẩn cấp của Papua New Guinea cũng đã có mặt tại khu vực xảy ra thảm họa, dẫu vậy, do các tuyến đường chính bị chia cắt trong khi lối đi chính vào khu làng cũng bị sạt lở nên các phương tiện và thiết bị phục vụ cho công tác giải cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.
ABC News dẫn lại một tuyên bố của văn phòng Liên Hợp Quốc tại Papua New Guinea: "Địa điểm hẻo lánh, sự khó đoán định của địa hình và sự hư hại của nhiều tuyến đường đang làm chậm các nỗ lực cứu trợ. Các nguồn cung cấp cứu trợ cần thiết bao gồm nơi trú ẩn khẩn cấp, thực phẩm và nước uống đang được chuẩn bị để vận chuyển và phân phối".
Chính phủ Papua New Guinea hiện tập trung cho việc dọn dẹp hiện trường, sửa lại các tuyến đường giao thông chính, cung cấp thực phẩm, nước uống cũng như lập các khu vực an toàn cho người dân đến sơ tán.
Đất nước láng giềng của Papua New Guinea là Australia cũng chuẩn bị cử máy bay và các thiết bị đến hỗ trợ nước bạn tại những khu vực lỡ đất, khi những cơn mưa trong đêm liên tục trút xuống làm một lần nữa dấy lên lo ngại hàng tấn gạch vụn có thể chôn vùi dân làng.
Papua New Guinea cũng đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ thông báo tình hình đến các đối tác hợp tác phát triển và bạn bè quốc tế, chính thức yêu cầu sự trợ giúp. Theo đó, mọi hỗ trợ quốc tế sẽ được điều phối thông qua trung tâm ứng phó thảm họa quốc gia.