Lộ diện 8 tỉnh sẽ được 'nâng cấp' lên thành phố trực thuộc Trung ương
Thủ đô Hà Nội và TP. HCM sẽ được thăng hạng lên đô thị loại đặc biệt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội,TP. HCM sẽ là đô thị loại đặc biệt; Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng sẽ là đô thị loại I.
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Quy hoạch ban hành Danh mục 42 đô thị loại I, trong đó, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 7 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị.
Có 50 đô thị loại II, trong đó, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 11 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 11 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 8 đô thị, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7 đô thị.
>> Tỉnh miền Trung dồn lực đầu tư logistics, 'tạo đà' lên TP trực thuộc Trung ương
Ngoài ra, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, và toàn diện. Hệ thống này sẽ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển, tạo môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.
Đến năm 2050, hệ thống đô thị của Việt Nam sẽ liên kết thành mạng lưới đồng bộ và thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền. Hệ thống này sẽ có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, đồng thời có kiến trúc tiêu biểu, xanh, hiện đại, và thông minh.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển trong mạng lưới khu vực và quốc tế, với cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, trong đó kinh tế xanh và kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.
Hà Nội, TP. HCM, và các đô thị trực thuộc Trung ương sẽ trở thành các trung tâm sáng tạo, dẫn dắt, và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Các đô thị lớn sẽ được phát triển gắn với hệ thống giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm, và phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải cho đô thị trung tâm.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, với sự phân bố hợp lý giữa các vùng, và dựa trên định hướng khung hạ tầng giao thông quốc gia. Việc phát triển đô thị vừa và nhỏ sẽ giúp giảm khoảng cách phát triển giữa các đô thị, đồng thời hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết chặt chẽ với đô thị.
Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng phát triển các mô hình đô thị đặc thù như đô thị chuyên ngành, đô thị biên giới, biển đảo, và đô thị ven biển theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp với bảo tồn và phát huy các yếu tố di tích lịch sử, di sản văn hóa. Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia sẽ được phát triển nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời đảm bảo tính kết nối và chia sẻ giữa các khu vực đô thị và nông thôn.
>> Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp lên TP trực thuộc Trung ương, hút hơn 1,7 tỷ vốn FDI
Tỉnh có nhiều TP nhất cả nước hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI
Tỉnh sở hữu nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, sẽ là cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc