Lộ diện cực tăng trưởng dẫn đầu Thủ đô: 'Hoa tiêu' của thị trường BĐS miền Bắc dài hạn
Nhờ hội tụ những lợi thế cả về vị trí, hạ tầng, quỹ đất, khu vực phía Đông TP. Hà Nội hiện đang được giới đầu tư dành sự chú ý đặc biệt, được các chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành "hoa tiêu" dẫn dắt thị trường BĐS trong thời gian tới.
Khu Đông Hà Nội trong vài năm trở lại đây được xem là "hiện tượng" phát triển của Thủ đô khi trở thành một trong những trung tâm phát triển bất động sản (BĐS) mới của cả khu vực phía Bắc.
Giữa bối cảnh Thủ đô ngày càng tăng cường liên kết vùng, gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, quỹ đất phát triển các dự án mới ở trung tâm và phía Tây liên tục bị thu hẹp, các chuyên gia đưa ra dự báo khu Đông TP. Hà Nội đang sở hữu nhiều tiềm năng để có thể phát triển và bứt phá, trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường BĐS miền Bắc trong thời gian tới.
Những cú hích từ hạ tầng quy hoạch
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn 2065, cụ thể hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy vùng Thủ đô thông qua các chiến lược hợp tác và liên kết vùng.
Trong bối cảnh này, khu vực phía Đông Hà Nội, bao gồm Gia Lâm, Long Biên, cùng các tỉnh lân cận như Hưng Yên hiện đang dần phát triển thành các trung tâm mới với cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ.
Theo quy hoạch Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, phía Đông sẽ đón nhận các công trình giao thông trọng điểm, kết nối nội bộ và với các khu vực lân cận.
Dự kiến có 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống, đơn cử như cầu Ngọc Hồi (kết nối sông Hồng tới xã Văn Đức, Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên).
>> TP. HCM tiến hành bồi thường cho hơn 1.800 hộ dân chịu ảnh hưởng của tuyến cao tốc gần 20.000 tỷ
Ngoài việc đầu tư hạ tầng, Kế hoạch số 216/KH-UBND của TP. Hà Nội đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62% vào năm 2025 và từ 65-75% vào năm 2030.
Cùng với đó, các tỉnh giáp ranh Hà Nội cũng đang thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60-65% và đến năm 2050 là 80%.
Nhờ hưởng lợi từ chiến lược quy hoạch vùng Thủ đô, BĐS khu vực phía Đông Hà Nội có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và nhiều cơ hội bứt phá trong dài hạn.
Thị trường sôi động đẩy tiềm năng và sức hút
Trong 5 năm qua, khu Đông Hà Nội đã có sự lột xác mạnh mẽ, trở thành một thị trường bất động sản hấp dẫn với đầy đủ các phân khúc sản phẩm. Những tiện ích hiện đại, lần đầu xuất hiện tại khu vực này, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về giá bất động sản đã giúp khu Đông Hà Nội dẫn đầu về thanh khoản trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo của CBRE, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận sức mua tăng mạnh, đặc biệt trong quý II/2024, với 10.170 căn đã được bán, gấp 5 lần so với quý trước và cùng kỳ năm 2023.
Các dự án chung cư tập trung tại các khu đô thị lớn ở phía Đông Hà Nội tiếp tục có tỷ lệ bán cao. CBRE dự báo rằng nguồn cung mới tại Hà Nội trong năm 2024 sẽ tăng gấp đôi so với năm trước, với sự dịch chuyển từ các quận trung tâm sang khu vực phía Đông.
Sự hình thành của các đại đô thị tại khu Đông đã thúc đẩy xu hướng giãn dân từ trung tâm Hà Nội ra các khu vực lân cận. Dân số ở các quận huyện và tỉnh giáp ranh Hà Nội đã tăng trưởng đáng kể. Đơn cử như dân số huyện Gia Lâm tăng từ khoảng 204.000 người năm 2010 lên 309.000 người hiện tại.
Tại huyện Văn Giang, Hưng Yên, dân số dự kiến sẽ tăng từ 123.000 người năm 2020 lên khoảng 350.000 người vào năm 2040 khi các khu đô thị lớn đi vào hoạt động.
Khu vực phía Đông Hà Nội hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư lớn và uy tín như Vingroup, Ecopark, Masterise, T&T, BRG Group, Eurowindow...
Các "đại dự án" quy mô lớn với quy hoạch độc đáo tại đây đã thay đổi diện mạo đô thị phía Đông và thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá đất.
Giai đoạn 2020-2022, giá bán bất động sản thấp tầng tại các dự án tăng từ 100-150%, thậm chí gấp 3-4 lần so với thời điểm mở bán ban đầu.
Theo khảo sát, giá đất nền tại Long Biên dao động từ 40-50 triệu đồng/m2, các vị trí gần cầu Trần Hưng Đạo (sắp triển khai) có giá lên đến 240 triệu đồng/m2, trong khi khu vực Cổ Linh ghi nhận mức giá khoảng 210 triệu đồng/m2.
Tại huyện Gia Lâm, các trục đường chính có giá đất từ 40-90 triệu đồng/m2, riêng đường Ngô Xuân Quảng chạm ngưỡng 230 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân chính thúc đẩy sự sôi động của thị trường BĐS phía Đông Hà Nội là tầm nhìn quy hoạch vùng Thủ đô theo Nghị quyết 06-NQ/TW, mở rộng mối liên kết với 9 tỉnh, thành lân cận.
Khu vực phía Đông tiếp giáp với các tỉnh công nghiệp phát triển mạnh của miền Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng.
Theo nhận định của các chuyên gia, phía Đông là tương lai của Hà Nội, khi "tam giác kinh tế" Bắc Bộ gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chính thức hình thành, đặc biệt nhờ sự kết nối của các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Cầu Giẽ.
Sự phát triển đô thị về phía Đông tận dụng tối đa hạ tầng kết nối với các tỉnh, phù hợp với xu thế "phát triển kinh tế là phải hướng ra biển".
Hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia tại khu vực này đã và đang được triển khai như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (3.600 tỷ đồng), cầu Đông Trù (6.600 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), nút giao Cổ Linh (400 tỷ đồng), cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (2.500 tỷ đồng) và cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến đầu tư gần 8.700 tỷ đồng).
Trong quy hoạch phát triển, sẽ có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng cùng với tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, kết nối khu vực phía Đông với các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy hoạt động giao thương, phát triển kinh tế và là đòn bẩy cho thị trường BĐS trong tương lai gần.
>> Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục 'ngủ đông': Thanh khoản lao dốc, nhà đầu tư mất niềm tin
TP. HCM chi 4.000 tỷ làm dự án cầu đường 'phá thế tắc nghẽn' hàng thập kỷ cho cửa ngõ phía Nam
10 trường học, 6 bệnh viện và loạt trụ sở tại Hà Nội vào danh sách chưa nghiệm thu PCCC