Tỉnh lớn nhất Nam Bộ sắp đón một loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới
Đến năm 2025, tỉnh này dự kiến sẽ phát triển tổng cộng 8.290ha khu công nghiệp, 25.864ha khu kinh tế và 730ha cụm công nghiệp.
Bình Phước, với quỹ đất dồi dào và vị trí chiến lược giáp ranh các tỉnh công nghiệp mạnh trong vùng Đông Nam Bộ, đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghiệp.
Nhờ vào việc cải thiện hạ tầng mạnh mẽ và chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, tỉnh này đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các khu công nghiệp mới, mở ra cơ hội vàng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
>> Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục 'ngủ đông': Thanh khoản lao dốc, nhà đầu tư mất niềm tin
Để nắm bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư và tạo động lực phát triển bền vững, Bình Phước đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho tương lai. Đến năm 2025, tỉnh dự kiến phát triển tổng cộng 8.290ha khu công nghiệp, 25.864ha khu kinh tế và 730ha cụm công nghiệp.
Suất đầu tư cho khu công nghiệp trong giai đoạn này dự kiến đạt từ 3-3,5 triệu USD/ha. Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô với 11.522ha khu công nghiệp và 1.279ha cụm công nghiệp, với suất đầu tư tăng lên từ 3,5-4 triệu USD/ha.
Gần đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước đã đề xuất dự án Khu công nghiệp VSIP, với quy mô tổng cộng lên đến 2.500ha, bao gồm 1.500ha dành cho khu công nghiệp và 1.000ha cho khu đô thị - dịch vụ. Dự án này dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2024 và hoàn thành vào năm 2035.
Bên cạnh đó, các dự án mở rộng khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và khu công nghiệp Nam Đồng Phú cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, với tổng diện tích đất được phân bổ lần lượt là 133ha và 75ha. Những dự án này không chỉ mang lại cơ hội đầu tư mới mà còn tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương.
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với các tỉnh công nghiệp phát triển như Bình Dương và Đồng Nai. Vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện tự nhiên ưu việt cùng với cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ đã tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho tỉnh.
Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt và quỹ đất rộng lớn càng làm tăng sức hấp dẫn của Bình Phước đối với các nhà đầu tư. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia bất động sản, khi quỹ đất sạch tại TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai ngày càng hạn chế, Bình Phước và các tỉnh lân cận như Tây Ninh sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho đầu tư công nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Bình Phước chú trọng vào việc phát triển “nền tảng 4 tốt” – hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt.
Về hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền, đã chỉ đạo tăng cường kết nối liên vùng và phát triển các tuyến cao tốc, như cao tốc TP. HCM - Chơn Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành. Các dự án này không chỉ làm giảm phụ thuộc vào Quốc lộ 14 mà còn tạo điều kiện kết nối hiệu quả hơn với vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về nhân lực, Bình Phước đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 43.000 người vào năm 2024, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 3%. Tỉnh cũng cam kết nâng cao chất lượng lao động trong dài hạn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và là tỉnh có diện tích lớn nhất trong khu vực Nam Bộ. Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, năm 2016, Bình Phước có diện tích 6.876,6km2 - lớn nhất trong 19 tỉnh thành phía Nam.
Năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của Bình Phước phục hồi mạnh mẽ, đạt mức 8,34%, vượt mục tiêu đề ra là 8%. Với kết quả này, Bình Phước đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và xếp thứ 11 toàn quốc về tốc độ tăng trưởng.
>> Huyện ven Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá đất dù đã bị ‘bùng’ hơn 50 lô