Đồng Nai tăng tốc để phát triển đồng bộ với sân bay lớn nhất Việt Nam
Tỉnh đang thúc đẩy việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ thông qua các tuyến cao tốc và đường Vành đai 3, 4 - TP. HCM.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được triển khai trên diện tích 5.000ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xác định là trung tâm động lực phát triển đột phá của tỉnh.
Với mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics, tỉnh hướng tới khai thác tiềm năng kinh tế hàng không và thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đồng Nai đặt ra tầm nhìn trở thành tỉnh văn minh, hiện đại vào năm 2030.
Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã và đang đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối hiện đại, nhằm tạo thuận lợi cho việc giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước. Dự án sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc biến Đồng Nai thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối với các quốc gia trên thế giới.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho biết quy hoạch vùng sân bay Long Thành sẽ được phát triển theo mô hình vệ tinh, kết hợp với hành lang kết nối lõi trung tâm sân bay. Các khu chức năng dự kiến gồm: Khu trung chuyển; khu logistics; khu đô thị thông minh, thành phố sân bay; khu dịch vụ - thương mại quy mô lớn; khu thương mại tự do; khu du lịch, vui chơi giải trí và công viên; dịch vụ hỗ trợ hàng không và phát triển không gian xanh.
>> Người dân tại thành phố đông dân nhất Việt Nam sẽ được xây tầng hầm sau thời gian bị cấm
Ngoài ra, tỉnh đang thúc đẩy việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ thông qua các tuyến cao tốc và đường Vành đai 3, 4 - TP. HCM. Tỉnh cũng quy hoạch 3 tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành, gồm: Tuyến đường sắt Bắc - Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển trọng yếu như Gò Dầu, Phú Hữu, Phước Khánh, Phước An cũng được phát triển nhằm phục vụ các tàu trọng tải từ 30.000 DWT đến 60.000 DWT.
Để tối ưu hóa tiềm năng của sân bay Long Thành và các tuyến cáp quang biển quốc tế, Đồng Nai đã lên kế hoạch hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút đầu tư vào các trung tâm dữ liệu hiện đại, từ đó luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế. Tỉnh cũng thúc đẩy việc phát triển trung tâm logistics tại khu vực Tân Hiệp, Bàu Cạn, giúp tăng cường hiệu quả của hệ thống logistics trong khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh rằng, tỉnh đang tập trung các nguồn lực từ nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông liên vùng và hạ tầng xã hội. Tỉnh cũng kết hợp các nguồn vốn từ trung ương, địa phương, đồng thời có cơ chế thu hút vốn tư nhân để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông.
Việc lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu phù hợp cũng là ưu tiên nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh. Bên cạnh đó, Đồng Nai cam kết nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện môi trường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục pháp lý, phê duyệt dự án nhanh chóng.
Một trong những thách thức lớn khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động là cung cấp đủ nhân lực chất lượng cao cho các ngành liên quan. Tỉnh Đồng Nai đang tập trung đào tạo nguồn lao động chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và công nghệ cao, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dài hạn. Việc xây dựng tổ hợp giáo dục - đào tạo gắn với khu đô thị sân bay Long Thành cũng là một bước đi quan trọng để chuẩn bị nguồn lao động cho các khu công nghiệp trong tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh đang đối mặt với 5 thách thức lớn khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động như: Đảm bảo nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện hạ tầng giao thông và đô thị sân bay; phát triển các sản phẩm dịch vụ hàng không; kiểm soát vấn đề môi trường; đảm bảo an ninh kinh tế và phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang tích cực tìm nguồn vốn vay, ước tính cần khoảng 2 tỉ USD để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kết nối sân bay Long Thành. Tỉnh cũng sẽ sớm công bố 100 dự án phát triển dịch vụ nhằm đồng bộ hóa hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư lớn khi sân bay đi vào hoạt động.
>> Tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam chấm dứt dự án đất ‘cõi âm’ gần 500 tỷ đồng