Đến cuối quý I/2024, FPT Retail có 1.587 nhà thuốc Long Châu trên toàn quốc.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động, cổ phiếu FRT của FPT Retail vẫn vững vàng leo lên đỉnh mới. Từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu FRT đã tăng 59%, đạt mức 170.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ khi niêm yết vào tháng 4/2018. Vốn hóa thị trường của FPT Retail, chủ chuỗi FPT Shop và nhà thuốc Long Châu, cũng đạt kỷ lục 23.200 tỷ đồng, gần chạm ngưỡng 1 tỷ USD (25.414 tỷ đồng).
FRT lập đỉnh mới |
Cổ phiếu FRT tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh chuỗi nhà thuốc Long Châu liên tục phát triển và chuỗi FPT Shop có dấu hiệu hồi phục. Trong quý đầu năm 2024, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 9.042 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 89 tỷ đồng, gấp 43 lần so với cùng kỳ, đánh dấu mức cao nhất trong 5 quý gần đây.
Trong quý I/2024, FPT Shop ghi nhận doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn 3.583 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuỗi bán lẻ ICT này đã giảm lỗ nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, giúp tăng lãi gộp 3%, và tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, giúp chi phí tài chính giảm 50%.
Ngược lại, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực chính của FPT Retail với doanh thu tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 5.530 tỷ đồng. Đến cuối quý I/2024, FPT Retail có 1.587 nhà thuốc Long Châu trên toàn quốc, mỗi nhà thuốc thu bình quân gần 1,2 tỷ đồng mỗi tháng trong quý đầu năm.
Năm 2024, FPT Retail đặt mục tiêu doanh thu 37.300 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, khả quan hơn so với khoản lỗ 294 tỷ đồng năm 2023. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, công ty đã thực hiện 24% kế hoạch doanh thu và hơn 71% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi giữa tháng 4, FPT Retail công bố kế hoạch bán cổ phần riêng lẻ tối đa 10% của chuỗi thuốc Long Châu để huy động vốn, nhằm biến Long Châu thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện (Healthcare Platform) từ phòng bệnh đến khám chữa bệnh.
Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho FPT Retail trong giai đoạn 2024-2025. Tỷ trọng thuốc tại Long Châu chiếm khoảng 70-80% trong cơ cấu sản phẩm, cao hơn mức trung bình 50-60% của các chuỗi nhà thuốc hiện nay. Long Châu đang tập trung vào chiến dịch bán thuốc theo đơn, với tiêu chí đảm bảo đủ thuốc với giá cả hợp lý và cạnh tranh.
Nguồn: BMI, MBS Research |
Theo báo cáo của BMI, quy mô kênh OTC (thuốc bổ, thực phẩm chức năng, thuốc có thể mua tại quầy) dự báo sẽ đạt khoảng 2,1 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 6,1% giai đoạn 2025-2027. Kênh ETC (thuốc đặc trị, thuốc kê đơn bệnh viện) dự báo đạt 7,1 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép 7,1% giai đoạn 2025-2027. Hiện nay, quy mô dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, với thu nhập trung bình 56 triệu đồng/năm và chi tiêu cho tiền thuốc bình quân hơn 1,7 triệu đồng/năm.
MBS nhận thấy xu hướng già hóa dân số và thói quen tiêu dùng các sản phẩm vitamin ngày càng rõ rệt, sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thuốc. Trong bán lẻ dược phẩm, việc quản lý hàng tồn kho và logistics là thách thức lớn, tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, Long Châu có các thế mạnh về công nghệ, số hóa và AI trong quản lý hàng hóa, giá bán cạnh tranh và dịch vụ tốt, nhanh chóng.
Long Châu đã mở rộng mạnh mẽ và cán mốc 60 trung tâm tiêm chủng sau chưa đầy một năm. Thị trường này tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi tỷ lệ bao phủ vaccine vẫn còn thấp và các trung tâm tiêm chủng hiện đại còn ít. Dù việc mở rộng các trung tâm tiêm chủng ban đầu tốn kém, Long Châu dự kiến có 100 trung tâm vào cuối năm nay và nâng tổng số nhà thuốc lên 1.900 cửa hàng.
MBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn từ cuối năm 2024, khi cho vay tiêu dùng trở lại và khu vực sản xuất phục hồi. Thu nhập người tiêu dùng cải thiện sẽ hỗ trợ nhu cầu hàng không thiết yếu, giúp FPT Shop tiếp tục tái cấu trúc, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và mở rộng sản phẩm mới.
>> FPT Retail: Kế hoạch doanh thu cao kỷ lục 37.300 tỷ đồng, chào bán tối đa 10% cổ phần Long Châu