Lộ trình tăng lương cần gắn với giảm mạnh số người hưởng lương ngân sách

27-04-2023 09:19|Việt Lâm

Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Theo dự thảo nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương hưu cho ba nhóm trong đó đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng thì mức điều chỉnh chung là tăng 12,5% trên mức lương hưu của tháng 6/2023. Mức điều chỉnh này dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế.

Đối với nhóm người lao động hưởng lương hưu nhà nước và nghỉ hưu từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 1/7/2023 thì mức tăng đề xuất là 20,8% trên mức lương hưu của tháng 6/2023.

Ngoài ra, bộ cũng đề xuất hỗ trợ thêm đối với những người có mức lương hưu thấp.

Với người có mức lương hưu, trợ cấp về mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng mà sau khi điều chỉnh tăng lương theo quy định vẫn hưởng lương thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì mức điều chỉnh bù thêm để đạt 3 triệu đồng/tháng.

Kinh phí cho việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được trích từ nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Lộ trình tăng lương cần gắn với giảm mạnh số người hưởng lương ngân sách

Tăng lương 20,8% sẽ có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như: Nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến CPI khó có thể tăng mạnh.

Những năm gần đây, với chính sách kiểm soát lạm phát linh hoạt và hiệu quả, việc tăng lương đã mang lại hiệu quả nhất định. Dù mức tăng còn thấp nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của CPI. Từ đó, cải thiện phần nào đời sống của người lao động.

Đặc biệt, trong lần tăng lương tới đây, mức tăng 20,8% sẽ ít nhiều có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách.

Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023.

Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều.

Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị.

Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước".

Mục tiêu cải cách tiền lương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đặt mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Hà Nội dành 3,4 nghìn tỷ từ tiết kiệm chi thường xuyên để cải cách tiền lương

Nên tăng lương hưu cao hơn cho những người có mức hưởng thấp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-trinh-tang-luong-can-gan-voi-giam-manh-so-nguoi-huong-luong-ngan-sach-180533.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ trình tăng lương cần gắn với giảm mạnh số người hưởng lương ngân sách
    POWERED BY ONECMS & INTECH