Lo vỡ nợ dây chuyền, Trung Quốc công khai hỗ trợ ‘ông lớn’ bất động sản Vanke
Vanke từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm, trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp có yếu tố nhà nước này nhận được sự hỗ trợ từ nhà chức trách địa phương.
Theo Blommberg, sau khi hai nhà phát triển bất động sản lớn nhất thế giới vỡ nợ, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực giải cứu một “gã khổng lồ” khác trong ngành thoát khỏi tình cảnh tương tự.
Theo thông tin tiết lộ vào thứ Hai, China Vanke Co., doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn, đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà chức trách Thành phố Thâm Quyến.
Nếu tính theo số lượng bất động sản được bán ra, Vanke hiện là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.
Trao đổi với Bloomberg, đại diện các công ty tài chính, Uỷ ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Thành phố Thâm Quyến tin rằng Vanke có đủ tiền mặt và các công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng các dự án.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước Metro Group Co., cổ đông lớn nhất của Vanke, cho biết họ không có kế hoạch bán bớt cổ phần và vẫn đang chuẩn bị mua trái phiếu của Vanke vào thời điểm thích hợp.
Theo Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cấp cao của Lucror Analytics Pte, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương dành cho Vanke nhiều hơn dự đoán. Mặc dù đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp có yếu tố sở hữu Nhà nước nhưng nó khó có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đã vỡ nợ hoặc vực dậy thị trường.
Được thành lập bởi doanh nhân Wang Shi vào năm 1984 khi nền kinh tế Trung Quốc mới mở cửa, Vanke là nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước trong nhiều năm trước khi bị các đối thủ mạnh như Country Garden Holdings hay Tập đoàn Evergrande vươn lên.
Ngoài các dự án chất lượng phù hợp với tầng lớp trung lưu Trung Quốc, Vanke còn được biết đến là một doanh nghiệp kiểu mẫu trong ngành bất động sản khi có một hội đồng quản trị đoàn kết, cổ đông rộng khắp và văn hoá kinh doanh đặc trưng.
Từ năm 2013, sau khi nhà sáng lập Wang Shi cảnh báo rằng thị trường bất động sản Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ “bong bóng”, Vanke đã đa dạng hoá hoạt động kinh doanh.
Ngoài vận hành các căn hộ cho thuê, Vanke còn phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ, gồm khoản đầu tư và hợp tác với nhà môi giới bất động sản văn phòng có trụ sở tại Hoa Kỳ Cushman & Wakefield Plc.
Động thái “giải cứu” Vanke trái ngược với cách chính quyền Trung Quốc hỗ trợ Tập đoàn Evergrande và Country Garden Holdings. Cả hai doanh nghiệp này đều đã vỡ nợ trái phiếu và đang phải tái cơ cấu mạnh mẽ hoặc đối mặt với việc phá sản.
Khi cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc bước sang năm thứ tư, các nhà chức trách từ trung ương đến địa phương đều thể hiện sự cấp bách hơn trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của lĩnh vực này.
Theo Bloomberg, không có gì bất ngờ khi Vanke được ưu ái hơn. Doanh nghiệp Nhà nước China Resources Co. là cổ đông lớn nhất của Vanke trong gần hai thập kỷ cho đến khi vụ thâu tóm diễn ra vào năm 2016.
Tập đoàn Evergrande từng sở hữu hơn 1/4 cổ phần Vanke trong thời gian ngắn trước khi ông Wang Shi mua lại doanh nghiệp Nhà nước Metro Group Co. Sau đó, ông thôi chức chủ tịch Vanke.
Trả lời Bloomberg vào thứ Hai, đại diện Vanke cho biết công ty chắc chắn sẽ hoàn trả các khoản nợ trong và ngoài nước đúng hạn và thị trường “không nên quá lo lắng về điều đó”.
Theo ông Wang Chen, đồng sáng lập nhà cung cấp dịch vụ phân tích rủi ro tín dụng The Belt&Road Origin Tech Co., mặc dù các cơ quan quản lý không muốn thấy tình trạng vỡ nợ lan rộng sang các công ty bất động sản khác, cả tư nhân hay sở hữu nhà nước, nhưng thực tế tình hình giao dịch bất động sản vẫn chưa khả quan.
“Nếu doanh số bán hàng không thể cải thiện thì nói về bất cứ điều gì khác cũng vô nghĩa”, ông Wang Chen nói.
Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III
Vi phạm quy định về trái phiếu, một công ty chứng khoán bị xử phạt