Loại cây thân gỗ có thể hút vàng dưới lòng đất trồng nhiều ở Việt Nam, có loại giá hàng triệu đồng/m3
Nhờ bộ rễ dài và khỏe, cây có thể đâm sâu tới 40m để tìm kiếm nguồn nước và các khoáng chất khác, bao gồm cả vàng.
Theo các nhà khoa học, cây bạch đàn (Eucalyptus marginata) có khả năng hấp thụ vàng, một kim loại quý hiếm, từ lòng đất. Nhờ bộ rễ dài và khỏe, cây có thể đâm sâu tới 40m để tìm kiếm nguồn nước và các khoáng chất khác, bao gồm cả vàng.
Khả năng đặc biệt này được phát hiện khi các nhà nghiên cứu tiến hành lấy mẫu thực vật để phân tích khoáng chất. Kết quả cho thấy lá cây bạch đàn mọc trên khu vực mỏ vàng có hàm lượng vàng cao hơn đáng kể so với những cây khác.
Trước đây, vào năm 2013, một nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) đăng tải trên tạp chí Nature Communications đã hé mở khả năng sử dụng phương pháp lấy mẫu thực vật để tìm kiếm khoáng chất. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự hiện diện của vàng trong lá cây tại Australia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vàng trong các mẫu thực vật có thể do ô nhiễm bề mặt thay vì do cây hấp thụ trực tiếp từ môi trường. Nhằm làm sáng tỏ điều này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa tại Freddo Gold Prospect, phía Bắc Kalgoorlie, Tây Australia. Kết quả thu được cho thấy, tại khu vực này, mọc những cây bạch đàn lớn ngay phía trên khu vực mỏ vàng nằm sâu dưới lòng đất. Lá, cành và vỏ cây đều chứa hàm lượng vàng (Au) cao bất thường.
Để củng cố thêm cho kết quả thực địa, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm trong nhà kính. Cụ thể, họ trồng cây con trong chậu cát trộn vàng. Sau khi quan sát bằng kính hiển vi điện tử, họ phát hiện ra rằng lá của những cây này cũng chứa các hạt vàng tương tự như những cây bạch đàn mọc tại khu vực mỏ vàng.
Những phát hiện này đã chứng minh khả năng "hút vàng" độc đáo của cây bạch đàn. Khả năng này mở ra tiềm năng ứng dụng trong việc tìm kiếm và khai thác vàng một cách hiệu quả và ít tác động đến môi trường hơn so với các phương pháp khai thác truyền thống.
Mặc dù lượng vàng thu được từ cây bạch đàn có có thể không phải là thỏi vàng nhưng phát hiện này mở ra một phương pháp tìm kiếm mỏ vàng mới, ít tác động đến môi trường hơn so với các phương pháp truyền thống. Năm 2019, công ty Marmota đã ứng dụng thành công phương pháp sử dụng cây bạch đàn để phát hiện khoáng chất ở Nam Australia, dẫn đến việc tìm thấy mỏ vàng ở độ sâu 44m. Mỏ vàng này có trữ lượng 3,4 gram vàng mỗi tấn, trải dài trên diện tích 6m, cách xa ít nhất 450m so với các mỏ vàng đã biết trước đây.
Tại Việt Nam, cây bạch đàn được trồng rộng rãi với hai mục đích chính: làm cây bóng mát và khai thác gỗ. Loại cây này có thân gỗ lớn, được sử dụng để lấy gỗ trực tiếp. Gỗ bạch đàn sở hữu màu sắc rất riêng biệt. Lớp ngoài cùng có màu vàng nhạt, dần chuyển sang màu đỏ hồng khi tiến vào phần tâm. Tâm gỗ có màu nâu đỏ, điểm xuyết những sọc màu nâu đậm hơn tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Vân gỗ bạch đàn cũng rất đa dạng, mang đến sự phong phú cho các sản phẩm làm từ loại gỗ này.
Cây bạch đàn du nhập vào nước ta từ những năm 1950, ban đầu được trồng bằng hạt. Nhờ khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ôn đới, một số loài bạch đàn phát triển mạnh mẽ tại nước ta. Nguồn gốc của chúng đến từ Australia.
Bạch đàn sở hữu sức sống mãnh liệt, có thể sinh trưởng trên nhiều loại địa hình, thậm chí cả những nơi đất cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng. Đặc điểm nổi bật của loài cây này là tập tính sống theo cụm, tạo nên những khu rừng bạch đàn xanh mướt, thay vì mọc đơn lẻ.
Trên thế giới, bạch đàn xuất hiện phổ biến ở các quốc gia như Australia, New Guinea, Indonesia, Philippines. Tại Việt Nam, cây bạch đàn hiện diện ở hầu hết các tỉnh thành, từ vùng đồng bằng đến bình nguyên và cao nguyên. Chúng được trồng trong các khu rừng thuần hoặc trên đất thổ cư của người dân.
Trên thế giới, có đến hơn 700 loài bạch đàn khác nhau. Tại Việt Nam, chúng ta cũng sở hữu nhiều giống bạch đàn đa dạng, mỗi loại phù hợp với điều kiện khí hậu và địa hình riêng biệt. Đặc biệt, bạch đàn cao sản là một loài cây lấy gỗ nhanh, mang lại giá trị kinh tế cao tại Việt Nam. Cây này có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, có khả năng chịu hạn hán và sâu bệnh. Thời gian trồng chỉ từ 4 đến 5 năm. Với thân cây thẳng, gỗ mềm nhẹ màu trắng, gỗ bạch đàn cao sản có giá trị kinh tế dao động từ 1,5 đến 3 triệu đồng/m3, theo Báo Quảng Nam. Loại gỗ này được sử dụng phổ biến trong sản xuất giấy, ván ép, ván MDF và chế tác đồ gỗ nội, ngoại thất.
Bên cạnh giá trị kinh tế cao từ gỗ và tinh dầu, cây bạch đàn còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Lá bạch đàn có đặc tính kháng viêm và giảm đau, thường được sử dụng để điều trị đau nhức cơ bắp, khớp xương và đau đầu. Ngoài ra, bạch đàn còn được sử dụng để làm thuốc xịt đuổi muỗi, khử trùng không khí và làm nước súc miệng.