Loại gia vị nhiều người Việt thường thêm vào trong bữa ăn có thể là nguyên nhân làm tăng đến 41% nguy cơ ung thư dạ dày
Ngoài ra, lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa.
Ung thư dạ dày hiện là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh này cao nhất tại Đông Á và đáng lo ngại là số người dưới 50 tuổi mắc ung thư dạ dày đang gia tăng nhanh chóng ở cả những nước có nguy cơ cao lẫn thấp, như Mỹ, Canada và Anh.
Theo thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ ràng, ngoại trừ nhiễm khuẩn HP. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò đáng kể; nếu gia đình có người từng mắc ung thư dạ dày, nguy cơ mắc bệnh này có thể tăng gấp 10 lần.
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. Những thói quen như ăn ít chất xơ, ít vận động, hút thuốc (kể cả hút thụ động), ăn nhiều thực phẩm muối, ủ chua, hun khói, hay thức ăn nhanh đều làm tăng nguy cơ tổn thương và ung thư hóa trong đường tiêu hóa.
Một nghiên cứu từ Đại học Y Vienna (MedUni Vienna), Áo, đã tìm hiểu mối liên hệ giữa thói quen thêm muối vào thức ăn tại bàn và nguy cơ ung thư dạ dày ở người trưởng thành tại Anh. Sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng sinh học Anh, nghiên cứu đã phân tích thông tin của 471.144 người trưởng thành, với độ tuổi trung bình là 56 và 53,9% trong số đó là nữ.
Những người tham gia được hỏi câu: “Bạn có thêm muối vào thức ăn của mình không? (Không tính muối dùng trong lúc nấu ăn)” với các tùy chọn trả lời là “không bao giờ/hiếm khi”, “thỉnh thoảng”, “thường xuyên”, “luôn luôn” và “không muốn trả lời”. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn thu thập dữ liệu về tình trạng nhiễm khuẩn HP, tiền sử ung thư dạ dày và các bệnh lý kèm theo của người tham gia, nhằm phân tích kỹ hơn mối liên hệ giữa việc thêm muối và nguy cơ ung thư dạ dày.
Trong thời gian theo dõi gần 11 năm, nghiên cứu ghi nhận 640 trường hợp ung thư dạ dày. Sau khi điều chỉnh các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế - xã hội, lối sống và tình trạng sức khỏe, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người thường xuyên thêm muối vào thức ăn tại bàn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ làm vậy.
Mặc dù còn một số hạn chế, chẳng hạn như thiếu dữ liệu chi tiết về hàm lượng muối trong chế độ ăn của từng người tham gia, song nghiên cứu này vẫn mang tính định hướng quan trọng. Nó gợi mở mối liên hệ giữa tần suất thêm muối vào thực phẩm và nguy cơ ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày hiện là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu. (Ảnh minh họa)
Theo thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế cho biết một số loại thực phẩm chứa nhiều muối, như thịt, cá và rau củ bảo quản bằng muối, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Nguy cơ này càng cao nếu tiêu thụ nhiều các thực phẩm bảo quản bằng muối.
Bằng chứng này chủ yếu từ các nghiên cứu ở châu Á, đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi các món ăn truyền thống thường được bảo quản bằng muối và lên men thay vì làm lạnh như ở phương Tây. Các nhà khoa học cho rằng lượng muối cao trong các thực phẩm này ngấm vào trong quá trình bảo quản, gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Thí nghiệm cho thấy muối có thể phá hủy lớp niêm mạc, tạo ra các tổn thương lâu ngày dẫn đến ung thư.
Đáng chú ý là nhiễm vi khuẩn HP – cũng gây tổn thương niêm mạc dạ dày – trở nên nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với muối, làm tăng thêm nguy cơ ung thư. Vi khuẩn HP phổ biến ở một số khu vực châu Á và được xem là nguyên nhân độc lập gây ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, bằng chứng về mối liên hệ giữa muối trong chế độ ăn và ung thư dạ dày ở các khu vực khác trên thế giới vẫn chưa rõ ràng, đòi hỏi thêm nghiên cứu để hiểu tác động của thực phẩm chứa nhiều muối trong chế độ ăn của người phương Tây.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, mọi người nên hạn chế tiêu thụ muối tối đa có thể. Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến cáo lượng muối hàng ngày không nên vượt quá 5g, theo đúng mức được Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ thể mà còn giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác.