Nghiên cứu chỉ ra những nhóm máu có nguy cơ ung thư cao hơn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm máu nhất định có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tim mạch và đột quỵ cao.
Con người có bốn nhóm máu chính: A, B, AB và O. Nhóm máu là do di truyền, chúng bắt nguồn từ các biến thể của một gene, được gọi là ABO.
Sự phân loại này dựa trên các kháng nguyên đặc trưng, là các phân tử có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch, nằm bên ngoài tế bào hồng cầu. Chẳng hạn, những người thuộc nhóm máu B có kháng nguyên B trên bề mặt tế bào hồng cầu của họ, cho phép cơ thể nhận diện các kháng nguyên B khác là an toàn và không gây phản ứng. Ngược lại, nếu cơ thể gặp phải kháng nguyên A, ví dụ từ máu được truyền, hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng coi đó là vật lạ và tìm cách tiêu diệt nó.
Người mang nhóm máu AB sở hữu cả kháng nguyên A và B, trong khi người thuộc nhóm máu O không có kháng nguyên nào trên tế bào hồng cầu của mình. Điều này khiến nhóm máu O được coi là "người cho" phổ quát, có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, trong khi nhóm máu AB được gọi là "người nhận" phổ quát, vì họ có thể nhận máu từ tất cả các nhóm mà không gặp phải phản ứng miễn dịch.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm máu nhất định có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tim mạch và đột quỵ cao.
Các nghiên cứu chỉ ra sự liên quan giữa nhóm máu và ung thư
Theo bác sĩ huyết học Raymond Comenzo, giáo sư tại Trường Y khoa Đại học Tufts và giám đốc Phòng thí nghiệm Ngân hàng Máu và Truyền máu tại Trung tâm Y tế Tufts, việc phát hiện mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ ung thư có thể mở ra hướng nghiên cứu mới về rủi ro ung thư ở các nhóm dân cư khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra rằng người có nhóm máu A có nguy cơ cao hơn trong việc mắc một số loại ung thư dạ dày. Việc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân thuộc nhóm máu A. Những nhiễm trùng này có thể dẫn đến loét dạ dày và viêm, thậm chí có thể phát triển thành ung thư, theo thông tin từ Comenzo. Ngoài ra, H. pylori cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy ở những người có nhóm máu A, B và AB.
Ông cho biết: "Ở những bệnh nhân có nhóm máu A, B hoặc AB, gene ABO có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư phổi, vú, đại trực tràng và ung thư cổ tử cung".
Ngoài ra, vào năm 2017, một nhóm nhà khoa học tại Đại học Jiao Tong Thượng Hải đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Public Library of Science One (PLoS One), trong đó họ phân tích mối quan hệ giữa nhóm máu và khả năng xuất hiện các khối u. Nghiên cứu này khởi động từ năm 1986, khi các nhà khoa học bắt đầu tuyển chọn tình nguyện viên tham gia. Trong hơn hai thập kỷ, nhóm đã theo dõi hơn 18.000 nam giới, thu thập dữ liệu để tìm ra những mối liên hệ tiềm năng giữa các nhóm máu và nguy cơ phát triển ung thư, với mục tiêu giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ đặc thù và đóng góp cho nghiên cứu y học trong lĩnh vực này.
Kết quả chính từ nghiên cứu chỉ ra:
- Nhóm máu A: Những người có nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa, bao gồm ung thư dạ dày, đại tràng và trực tràng, cao hơn so với các nhóm máu khác.
- Nhóm máu O: Người mang nhóm máu O có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy thấp hơn đáng kể, giảm 17% và 15% lần lượt so với nhóm máu A và các nhóm máu khác.
- Nhóm máu AB: So với các nhóm máu khác, nhóm máu AB có nguy cơ mắc ung thư gan cao nhất, cao hơn đến 42%. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư dạ dày và đại trực tràng lại thấp hơn đáng kể, giảm lần lượt 24% và 33%.
- Nhóm máu B: Người có nhóm máu B có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp nhất, đặc biệt là ung thư dạ dày, đại trực tràng, và bàng quang.
Một nghiên cứu khác có quy mô lớn ở Mỹ trên 100.000 người chỉ ra rằng, người có nhóm máu O có nguy cơ mắc ung thư tụy thấp nhất trong tất cả các nhóm máu. So với nhóm máu O, nguy cơ mắc ung thư tụy của người có nhóm máu AB tăng gấp đôi, nhóm máu A tăng 32%, và nhóm máu B tăng 72%. Tuy nhiên, đối với ung thư bàng quang, người có nhóm máu B lại có nguy cơ thấp nhất, giảm 36% so với nhóm máu A.
Trong một khảo sát về ung thư phụ khoa tại Trung Quốc, người ta phát hiện phụ nữ có nhóm máu AB có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đáng kể. Điều này cho thấy sự chuyển đổi từ tế bào vú bình thường sang tế bào ung thư có thể có liên quan đến kháng nguyên A/B.
Tuy nhiên câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu nhóm máu có thực sự là yếu tố tiên đoán khả năng mắc bệnh ung thư của một người không? Câu trả lời là không. Theo PGS Pan Zhan, Phó trưởng khoa ung thư tại Bệnh viện Trung Sơn thuộc Đại học Hạ Môn, mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa nhóm máu và nguy cơ mắc một số loại ung thư, nhưng cơ chế cụ thể vẫn chưa được xác định rõ. Các nhà khoa học vẫn cần thực hiện thêm nghiên cứu để xác minh mối liên hệ này.
Các chuyên gia lưu ý rằng sự hình thành ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và nghiên cứu chỉ phát hiện sự liên quan chứ không xác định mối quan hệ nhân quả. Thay vì lo lắng về nhóm máu - điều không thể thay đổi - việc duy trì thói quen sống lành mạnh sẽ có lợi hơn trong việc phòng ngừa ung thư.
Cách phòng chống ung thư
Thay vì lo lắng về những điều không thể thay đổi như nhóm máu, bạn nên tập trung vào việc cải thiện những thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lối sống tích cực và chế độ dinh dưỡng hợp lý có tác động đáng kể đến sức khỏe tổng thể và khả năng phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Biết rõ lịch sử sức khỏe gia đình và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư là bước quan trọng đầu tiên. Nhiều loại ung thư có thể được phát hiện sớm, giúp tăng khả năng điều trị thành công. Việc thảo luận với bác sĩ về các xét nghiệm sàng lọc phù hợp theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe cá nhân là rất cần thiết.
Tránh xa thuốc lá
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư, liên quan đến nhiều loại bệnh như ung thư phổi, vú, và đại trực tràng. Theo Tổ chức Phòng ngừa Ung thư, việc ngừng sử dụng thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh một cách đáng kể. Ngay cả những người không hút thuốc cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao
Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất và có thể phòng ngừa dễ dàng. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao, mặc quần áo bảo vệ và tránh tắm nắng là những biện pháp cần thiết để giảm nguy cơ. Tia UV từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ra ung thư da.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống có thể tác động lớn đến nguy cơ mắc ung thư. Nghiên cứu cho thấy việc tăng cường tiêu thụ trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và giảm thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Một chế độ ăn uống cân bằng không chỉ hỗ trợ sức khỏe tổng thể mà còn giúp kiểm soát cân nặng.
Hạn chế rượu bia
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra uống rượu có liên quan đến nhiều loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng và gan. Các chuyên gia khuyên rằng nếu có uống, nên hạn chế mức tiêu thụ ở mức tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới. Ngay cả lượng nhỏ rượu cũng có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Thường xuyên tập thể dục
Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất đều đặn là rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần để giảm nguy cơ ung thư. Các hoạt động đơn giản như đi bộ hay tập yoga cũng có tác dụng tích cực.
Quan hệ tình dục an toàn
Sử dụng bao cao su có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có virus HPV và viêm gan B, những tác nhân có thể dẫn đến ung thư. Tiêm phòng HPV cũng là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.
Tổng hợp