Loại gỗ 'quý như ngọc' biết đổi màu giá lên đến hàng trăm triệu ở Việt Nam
Loại gỗ này được tìm thấy ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Trên thế giới, không ít loại gỗ đặc biệt, có giá trị cao được nhiều người săn đón. Trong đó, gỗ Purple Heart được coi là loại gỗ có tính ứng dụng cao, giá thành không hề rẻ nhưng vẫn được sử dụng nhiều. Nó có tên khoa học là Peltogyne spp, hay còn được gọi với cái tên gỗ trái tim màu đỏ, gỗ cẩm tím, gỗ hương tím (ở Việt Nam).
Cây gỗ này thuộc họ cánh bướm, có cả hoa và quả. Hoa của cây gỗ cẩm tím có màu lam nhạt, tương đối nhỏ trong khi quả có hình dẹt, màu đen. Người ta thường để ý tới chiều cao để có thể phát hiện cây gỗ có phải gỗ cẩm tím hay không. Chiều cao thường thấy của cây gỗ này rơi vào khoảng 20-25m, đường kính thân lên đến 1m. Chỉ cần nhìn qua người ta cũng có thể nhận ra cây gỗ cẩm tím vì thân không nhẵn, vỏ xơ và có nhiều vết nứt nẻ. Để có thể thu hoạch gỗ cẩm tím, chúng ta cũng phải đợi khoảng 20 năm cây mới sinh trưởng, phát triển tương đối.
Những người chuyên tìm hiểu về gỗ cũng sẽ nhận ra ngay gỗ cẩm tím vì mùi hương đặc biệt. Không giống như nhiều loại gỗ quý khác, cẩm tím lại toát ra mùi giống như tre ngâm lâu ngày trong nước. Chính mùi hương này giúp chúng có thể hạn chế côn trùng tiếp cận và làm hại.
Loại gỗ quý hiếm, được săn đón này có đặc điểm cứng cáp, siêu bền hàng đầu thế giới. Nó có khả năng chịu nước, chống ẩm mốc và mối mọt, vì vậy rất bền bỉ, có thể sử dụng lâu dài. Không chỉ vậy, gỗ cẩm tím còn có trọng lượng lớn, thường dao động 800-1.000 kg/m3 tùy thuộc vào độ ẩm của gỗ.
Gỗ cẩm tím nổi tiếng với giá trị cao nhưng vẫn được nhiều đại gia trên thế giới "rút hầu bao". Theo nhiều nguồn tin, gỗ được bán với giá 5.000 USD/m3 (tương đương 127 triệu đồng). Như vậy, để sở hữu số lượng lớn gỗ cẩm tím, người dùng phải bỏ ra cả tỷ đồng.
Rất nhiều lý do khiến gỗ cẩm tím trở thành thứ được ưa chuộng tại nhiều quốc gia. Thứ gỗ quý hiếm này mang đặc trưng của vùng Trung và Nam Mỹ, phổ biến tại các khu rừng mưa nhiệt đới Brazil, Suriname và Guyana. Điểm độc đáo của gỗ cẩm tím nằm ở màu sắc của nó. Nhiều người trầm trồ, bất ngờ khi phát hiện loại gỗ này có thể đổi màu trong chốc lát. Lúc mới bị đốn, gỗ thường có màu nâu xám hoặc tím nhạt nhưng khi tiếp xúc với không khí, nó sẽ dần chuyển sang màu tím đậm hơn, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và sang trọng.
Nhờ tính ứng dụng cao, đây càng là thứ gỗ được săn lùng và sử dụng rộng rãi. Chúng ưa nhiệt độ trung bình, rơi vào khoảng 20-35 độ C, thường được trồng ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Đây cũng là thứ gỗ "quý như ngọc" được tìm thấy ở Việt Nam và có giá trị rất cao. Khu vực Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Bộ là nơi có nhiều gỗ cẩm tím nhất nước ta. Ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh... gỗ cẩm tím không còn quá xa lạ với người dân.
Trong bảng phân loại các loại gỗ, cẩm tím nằm ở nhóm I - nhóm gỗ quý. Ở nước ta, loại gỗ quý như ngọc này bị cấm khai thác, chủ yếu gỗ có xuất xứ từ Nam Phi, Lào hay Campuchia. Gỗ này có giá thành cao nên không ít đối tượng cũng lợi dụng thời cơ giả mạo gỗ để kiếm lời.
>> Cây gỗ quý 4.300 năm tuổi được trả hơn 850 tỷ đồng, cụ ông vẫn nhất quyết không bán
Bộ bàn ghế làm từ loại gỗ quý hiếm nặng gần 10 tấn giá hàng chục tỷ của đại gia Hà Nội
Ngôi chùa hơn 500 tuổi 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam được phủ kín bởi hàng trăm cây gỗ quý