Loại lá rụng đầy rừng, cho chẳng ai lấy ở Việt Nam lại “hái ra tiền”, thu về hàng chục tỷ đồng nhờ xuất khẩu
Không chỉ là một vị thuốc trong Đông y, loại lá này còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Lá tre hiện là mặt hàng nông sản để xuất khẩu thu ngoại tệ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu lá tre trong tháng 8 đạt 213.000 USD, và đạt 869.000 USD trong 8 tháng đầu năm 2023. Lá tre chiếm tỷ trọng 17,7% trong các loại lá xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, các loại lá chuối, lá tre, lá chanh ở Việt Nam rất phổ biến, giá bán rất rẻ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu, những loại lá này rất hiếm, giá đắt đỏ mà nhiều khi không mua được.
Trong đó, lá tre vốn được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng vì chúng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn. Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách.
Hiện, giá lá tre tươi xuất khẩu khoảng 10.000 đồng/kg, cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ. Được biết, trên các trang thương mại điện tử như Alibaba, Shopee…, có thời điểm lá tre của Việt Nam được bán với giá 3-5 USD/kg.
Lá tre của cây tre thuộc họ cỏ, lớp thực vật một lá mầm. Để làm thuốc người ta thu hái lá tre khi phiến lá chưa mở hết, màu xanh mởn. Dùng tươi hoặc khô với tên thuốc là trúc diệp.
Theo Đông y, lá tre (trúc diệp) có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lành, vào các kinh: tâm phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Ngoài ra, có thể dùng lá tre cùng với một số lá có tinh dầu, cho mùi thơm, như lá sả, lá hương nhu, bạc hà, khuynh diệp… làm thuốc xông hơi trị cảm mạo.
Tại xã xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nghề hái lá tre đã có từ những năm 1990. Năm 1992, bà Đinh Thị Dinh (58 tuổi, người làng Đồng Chiêm) thấy nghề này cho thu nhập cao hơn hẳn việc bán củi nên quyết định theo đuổi.
"Trước đây, người làng tôi chủ yếu kiếm sống bằng việc lên rừng đốn củi mang đi bán. Năm 1990, được một số người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam làm việc "mách nước" nên người dân trong làng mới biết lá tre có giá trị kinh tế", bà Dinh chia sẻ với Dân trí.
Theo bà Dinh, nghề làm lá tre bận rộn nhất là từ tháng 5 đến tháng 11. Khi vào mùa mưa, những cành bương non mới đâm chồi nảy lộc, những cành lá to gần như hai bàn tay người lớn xòe ra. Khi ấy, lá xanh đậm sẽ đạt chất lượng tốt nhất.
Trung bình mỗi vụ, cơ sở của gia đình bà Dinh xuất bán 70-100 tấn lá, doanh thu mỗi năm ước tính vài tỷ đồng. Ở Đồng Chiêm, ngoài gia đình bà Dinh, nay có thêm 1 hộ cũng mở đại lý thu mua lá.
"Người Đài Loan rất chuộng loại lá này, họ dùng để gói bánh truyền thống. Nghe nói lá này giữ được mùi thơm tự nhiên lại đảm bảo sạch sẽ, hữu cơ. Giờ có bao nhiêu lá phía Đài Loan cũng mua, có đợt họ đặt hàng hẳn 1 xe container mà cơ sở không có đủ để bán", bà Dinh nói.
Vào lúc chính vụ, xưởng của bà Dinh có khoảng 10 công nhân làm việc, với mức thu nhập từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày. Buôn bán có lãi, thế nhưng bà Dinh cũng tỏ ra lo lắng khi trong làng còn rất ít người đi hái lá. Bà tiếc lắm vì mặt hàng này không bao giờ "ế".
Nước ta có rất nhiều loại lá có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần giải quyết bài toán luân canh của bà con nông dân. Hiện tại chủ yếu bà con trồng xen chứ chưa có vùng tập trung, vì vậy doanh nghiệp muốn phát triển, đẩy mạnh thu mua còn gặp khó.
Hiện nay, thị trường tiềm năng nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, họ thu mua nhiều và thu mua với giá cao. Vận chuyển bằng đường biển nên khá thuận lợi, thị trường châu Âu có thu mua nhưng vì đi đường máy bay, phải đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản lượng xuất khẩu không được nhiều.
Loại lá quý xuất ngoại thu về đến 2 triệu đô ở Việt Nam
Loại lá bỏ đi rụng đầy ở Việt Nam, sang nước ngoài giá đắt đỏ