Thị trường

Loại sản phẩm thế giới đang dư cung, Việt Nam chi 1,5 tỷ USD nhập về chủ yếu từ Trung Quốc, Nga và Lào

Hải Đường 17/12/2024 - 09:17

Đáng nói, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Saudi Arabia cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến hơn 6.000%.

Việt Nam đã chi hơn 1,5 tỷ USD để nhập khẩu hơn 4,8 triệu tấn phân bón trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 30,9% về lượng và 13,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nguồn cung phân bón giá rẻ từ Lào đang gia tăng mạnh mẽ, trong khi nhập khẩu từ Saudi Arabia cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến hơn 6.000%.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 11/2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 474 nghìn tấn phân bón, trị giá hơn 157 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 1% về kim ngạch so với tháng trước. Giá nhập khẩu trung bình đạt 329 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất với hơn 2,1 triệu tấn, trị giá 673 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và 12% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá phân bón từ Trung Quốc giảm nhẹ 2,2%, còn 320 USD/tấn. Nga đứng thứ hai với hơn 545 nghìn tấn, trị giá 227 triệu USD, tăng 135% về lượng và 109% về kim ngạch. Giá nhập khẩu từ Nga cũng giảm 10,8%, còn khoảng 417 USD/tấn.

Loại sản phẩm thế giới đang dư cung, Việt Nam chi 1,5 tỷ USD nhập về chủ yếu từ Trung Quốc, Nga và Lào
Thị phần các nhà cung cấp phân bón chính cho Việt Nam năm 2024

>> Một ngành của Việt Nam đã giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động, sản phẩm xuất khẩu thuộc top 3 thế giới

Đáng chú ý, Lào đã vươn lên trở thành nhà cung cấp phân bón lớn thứ ba của Việt Nam. Trong 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu từ Lào hơn 315 nghìn tấn phân bón với tổng trị giá 81 triệu USD, tăng 20% về lượng nhưng giảm 6,7% về kim ngạch. Với giá trung bình 258 USD/tấn, phân bón từ Lào hiện là nguồn cung giá rẻ nhất trên thị trường.

Cùng với đó, Saudi Arabia cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, dù tỷ trọng còn khiêm tốn. Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3 nghìn tấn phân bón từ quốc gia này, trị giá gần 1,8 triệu USD, tăng mạnh 5.950% về lượng và 6.218% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi nhập khẩu tăng mạnh, báo cáo của Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) cập nhật vào tháng 7/2024 cho thấy thị trường phân bón toàn cầu đang đối mặt với tình trạng dư cung. Giai đoạn 2024-2028, tốc độ tăng trưởng của các loại phân bón chủ chốt như ure, photpho, kali và NPK dự báo sẽ thấp hơn nguồn cung. Tổng công suất phân ure toàn cầu ước đạt 165,9 triệu tấn năm 2024 và dự kiến tăng lên 177,8 triệu tấn vào năm 2028, trong khi nhu cầu chỉ tăng khoảng 6%, khiến tình trạng dư cung ure gia tăng từ 3,6 triệu tấn lên 5,1 triệu tấn.

Tại Việt Nam, tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón đạt khoảng 20,7 triệu tấn/năm, trong đó phân bón vô cơ chiếm 16,1 triệu tấn và phân bón hữu cơ là 4,6 triệu tấn. Dù vậy, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gần 11 triệu tấn.

Các chuyên gia nhận định, cơ cấu sản xuất và tiêu dùng phân bón ở Việt Nam vẫn đang mất cân đối. Trong khi các loại phân ure và phân lân dư thừa, thì phân kali, phân DAP và các loại phân bón vi lượng, hữu cơ vẫn thiếu hụt. Điều này buộc Việt Nam phải phụ thuộc vào nhập khẩu tới 40% phân DAP và toàn bộ phân kali.

Việc nhập khẩu phân bón giá rẻ từ Lào, cùng sự gia tăng nguồn cung từ các thị trường như Saudi Arabia, là giải pháp kịp thời đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng cũng đặt ra thách thức cho ngành sản xuất phân bón nội địa trong bối cảnh dư cung toàn cầu ngày càng trầm trọng.

>> Sắp cán mốc 2 tỷ USD: 'Mỏ vàng ngoài khơi' của Việt Nam khuấy động thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU

Hành trình 1 thế kỷ của nghề truyền thống, mỗi năm tạo ra cả triệu tấn sản phẩm nhưng vẫn cung không đủ cầu

Bầu Đức bật mí loạt sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn mới 'một vốn mấy lời', hứa hẹn giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đột phá về lợi nhuận

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loai-san-pham-the-gioi-dang-du-cung-viet-nam-chi-15-ty-usd-nhap-ve-chu-yeu-tu-trung-quoc-nga-va-lao-266306.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loại sản phẩm thế giới đang dư cung, Việt Nam chi 1,5 tỷ USD nhập về chủ yếu từ Trung Quốc, Nga và Lào
    POWERED BY ONECMS & INTECH