Thị trường

Nông sản Việt chinh phục thị trường toàn cầu với kỷ lục chưa từng có

Bảo Linh 16/12/2024 18:30

Năm 2024, xuất khẩu nhóm ngành nông sản nước ta đạt con số kỷ lục 62,4 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt gần 19 tỷ USD, tăng đến 53% so với năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2023. Đây là một bước nhảy vọt, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đáng chú ý, xuất siêu đạt kỷ lục với 18,6 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào cán cân thương mại của Việt Nam.

Dẫn đầu tăng trưởng trong nhóm hàng nông sản là cà phê với mức tăng 56,9%, tiếp theo là hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6% và gạo tăng 10,6%. Ngoài ra, có đến 11 mặt hàng nông sản duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (16 tỷ USD), rau quả (7,1 tỷ USD), gạo (5,8 tỷ USD), cà phê (5,4 tỷ USD), hạt điều (4,3 tỷ USD), tôm (3,8 tỷ USD) và cao su (3,2 tỷ USD).

Nông sản Việt chinh phục thị trường toàn cầu với kỷ lục chưa từng có
Nông sản Việt chinh phục thị trường toàn cầu với kỷ lục chưa từng có
Ảnh minh họa

>> 500 ngàn đồng/buồng: Chuối Việt 'soán ngôi' Philippines, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Các biến động địa chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là sự thay đổi chính sách thương mại từ các quốc gia lớn như Mỹ có thể tạo ra những rào cản đáng kể. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử hứa hẹn mang lại những chính sách bảo hộ mới, bao gồm các mức thuế quan cao và yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, xu hướng phát triển xanh bền vững ngày càng được coi trọng, đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với các tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Để thích ứng với những thách thức trên, Bộ NN-PTNT đã khuyến nghị các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản và rau quả.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng bền vững. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, đồng thời đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước để kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường quốc tế cần được đặt lên hàng đầu. Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và an toàn thực phẩm.

Không chỉ riêng ngành nông sản, toàn bộ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4%, và nhập khẩu đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu, với con số xuất siêu 24,31 tỷ USD.

Các nhóm hàng nông sản, thủy sản tiếp tục là động lực quan trọng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,46 tỷ USD (tăng 20,6%), trong khi nhóm công nghiệp chế biến đạt 312,59 tỷ USD (tăng 13,9%).

>> Một ngành của Việt Nam đã giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động, sản phẩm xuất khẩu thuộc top 3 thế giới

Phong phú thị trường táo đỏ dịp cận Tết

Giá cà phê hôm nay 16/12: nhận định tuần này, chờ đợi động thái của Fed?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nong-san-viet-chinh-phuc-thi-truong-toan-cau-voi-ky-luc-chua-tung-co-266215.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nông sản Việt chinh phục thị trường toàn cầu với kỷ lục chưa từng có
    POWERED BY ONECMS & INTECH