Thị trường

Hành trình 1 thế kỷ của nghề truyền thống, mỗi năm tạo ra cả triệu tấn sản phẩm nhưng vẫn cung không đủ cầu

Hoàng Ngân 17/12/2024 08:15

Ngành này được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng.

Lần đầu tiên, một lễ hội tôn vinh nghề muối – ngành nghề truyền thống lâu đời và giàu tiềm năng – sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu từ ngày 6-8/3/2025. Festival nghề muối Việt Nam với chủ đề “Hành trình 100 năm nghề muối – Đời người” không chỉ là dịp để khẳng định vai trò của hạt muối trong đời sống kinh tế, văn hóa mà còn mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho “vàng trắng” Việt Nam.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có lợi thế đặc biệt với đường bờ biển dài 3.200km và hơn 11.000ha diện tích sản xuất muối. Sản phẩm muối của nước ta đáp ứng đa dạng nhu cầu: từ chế biến thực phẩm, công nghiệp, y tế đến làm đẹp. Đặc biệt, nghề muối còn gắn bó với bề dày văn hóa, di sản phong phú như Phủ Bà Chúa Muối Tam Đồng hay các đồng muối nổi tiếng tại Thái Thụy (Thái Bình), Ninh Thuận và Bạc Liêu. "Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến làm muối. Ngành muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng", ông Thịnh cho biết.

Hành trình 1 thế kỷ của nghề truyền thống, mỗi năm tạo ra cả triệu tấn sản phẩm nhưng vẫn cung không đủ cầu
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Dẫu vậy, sản lượng muối hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Cả nước chỉ sản xuất được khoảng 1 triệu tấn muối mỗi năm, con số này quá nhỏ so với nhu cầu của các ngành công nghiệp. Nghề muối chủ yếu vẫn dựa vào phương pháp thủ công, trong khi cơ sở hạ tầng xuống cấp và giá muối bấp bênh khiến người làm muối rơi vào vòng luẩn quẩn nghèo khó.

“Diêm dân sống chật vật, thu nhập không ổn định nên nghề muối đang mất dần sức hút với giới trẻ. Rất ít người trẻ muốn nối nghiệp cha ông, khiến nghề truyền thống này có nguy cơ mai một”, ông Thịnh bày tỏ.

Trong các chuyến công tác nước ngoài, ông Thịnh thường mang về những mẫu muối từ Hàn Quốc, Pháp để nghiên cứu. Ông cho biết, nhiều loại muối ở các quốc gia này có giá bán từ 1 triệu đến 7 triệu đồng/kg nhờ tích hợp giá trị dinh dưỡng, khoáng chất và cải tiến mẫu mã.

>> 500 ngàn đồng/buồng: Chuối Việt 'soán ngôi' Philippines, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

“Ở Việt Nam, giá muối sản xuất thủ công chỉ hơn 1.000 đồng/kg, một mức giá không đủ hấp dẫn để phát triển quy mô lớn. Để thoát khỏi cái bóng nghèo khó, chúng ta cần học hỏi cách họ tạo ra giá trị khác biệt cho hạt muối”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT đã thí điểm các mô hình sản xuất muối công nghệ cao tại 5 địa phương, đồng thời khuyến khích sản xuất muối sạch, chế biến sâu và phát triển đa dạng sản phẩm. Định hướng này được cụ thể hóa trong Quyết định 1325/QĐ-TTg với mục tiêu tăng diện tích sản xuất lên 14.200ha, đạt sản lượng 2 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Hành trình 1 thế kỷ của nghề truyền thống, mỗi năm tạo ra cả triệu tấn sản phẩm nhưng vẫn cung không đủ cầu
Vẻ đẹp của người lao động trên cánh đồng muối

Lần đầu tiên, nghề muối Việt Nam có một lễ hội riêng để khẳng định vai trò và giá trị. Theo Ban Tổ chức, Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu 2025 sẽ bao gồm các hoạt động đặc sắc như triển lãm sản phẩm muối và OCOP, hội thảo xúc tiến thương mại, trưng bày công nghệ sản xuất tiên tiến, cùng nhiều chương trình văn hóa tôn vinh nghề muối.

Bạc Liêu, “thủ phủ muối” của cả nước, là địa phương được chọn tổ chức sự kiện quan trọng này. Hiện, tỉnh có hơn 1.400 ha sản xuất muối với 700 hộ diêm dân. Nghề muối không chỉ góp phần vào thu nhập của người dân mà còn gắn bó sâu sắc với văn hóa bản địa, tạo nên nét đặc trưng độc đáo cho vùng đất này.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, kỳ vọng lễ hội sẽ mở ra cơ hội quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm muối và thúc đẩy liên kết ngành muối với du lịch, y tế, ẩm thực. "Thông qua các hoạt động kết nối tại Festival, chúng tôi mong muốn tạo động lực phát triển bền vững, tăng thu nhập cho diêm dân và đưa muối Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới”, ông nói.

Không chỉ dừng lại ở lễ hội, Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về vai trò chiến lược của ngành muối. “Festival không chỉ là sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để chúng ta viết lại câu chuyện về hạt muối Việt Nam, tạo sự trân quý với nghề muối và những người làm muối”, ông Thịnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, phát triển nghề muối không chỉ dừng ở sản xuất mà cần gắn kết với các ngành kinh tế khác như du lịch sinh thái, sản phẩm làm đẹp từ muối và công nghiệp chế biến. Đây là hướng đi bền vững, vừa gìn giữ giá trị truyền thống, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương ven biển.

>> Sắp cán mốc 2 tỷ USD: 'Mỏ vàng ngoài khơi' của Việt Nam khuấy động thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU

Nông sản Việt chinh phục thị trường toàn cầu với kỷ lục chưa từng có

500 ngàn đồng/buồng: Chuối Việt 'soán ngôi' Philippines, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hanh-trinh-1-the-ky-cua-nghe-truyen-thong-moi-nam-tao-ra-ca-trieu-tan-san-pham-nhung-van-cung-khong-du-cau-266272.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hành trình 1 thế kỷ của nghề truyền thống, mỗi năm tạo ra cả triệu tấn sản phẩm nhưng vẫn cung không đủ cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH