Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp thép quy mô lớn trên sàn báo lỗ, có phải do 'tác dụng ngược' từ hàng tồn kho?

Quang Dương 12/11/2024 - 21:34

Việc tăng trưởng nợ vay để tích trữ hàng tồn kho khi giá thép giảm đã khiến các doanh nghiệp ngành thép đối mặt với thách thức lớn.

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo lỗ 185,89 tỷ đồng trong quý IV niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/7 đến 30/9/2024), giảm mạnh so với mức lãi 438 tỷ đồng cùng kỳ.

Khoản lỗ này một phần đến từ việc tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho lên 122 tỷ đồng, và chi phí xuất khẩu tăng 105%, tương ứng tăng thêm 202 tỷ đồng, đạt 393 tỷ đồng.

Từ 1/10/2023 đến 30/9/2024, Hoa Sen gia tăng nợ vay thêm 2.427 tỷ đồng, lên mức 5.364 tỷ đồng, tương đương 49,2% tổng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, công ty cũng gia tăng giá trị hàng tồn kho thêm 2.073 tỷ đồng, đạt 9.702 tỷ đồng (49,6% tổng tài sản) và tăng các khoản phải thu ngắn hạn thêm 663,6 tỷ đồng, đạt 2.985 tỷ đồng (15,3% tổng tài sản).

Từ cuối năm 2023, khi giá thép có dấu hiệu hồi phục, Hoa Sen đã tăng nợ vay để tích trữ hàng, đồng thời mở rộng các khoản phải thu với kỳ vọng ‘đón sóng’.

Mặc dù vậy, giá thép vẫn giữ ở mức thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ, Hoa Sen đã phải gánh khoản lỗ trong quý IV do việc tăng trích lập giảm giá hàng tồn kho và áp lực chi phí vận chuyển gia tăng.

Hiện tại, câu chuyện của Hoa Sen không phải là trường hợp cá biệt, phản ánh tình hình chung của nhiều doanh nghiệp thương mại thép, vốn tích trữ hàng tồn kho khi kỳ vọng giá sẽ tăng.

Loạt doanh nghiệp thép quy mô lớn trên sàn báo lỗ, có phải do 'tác dụng ngược' từ hàng tồn kho?
Phân hoá lợi nhuận doanh nghiệp thép trong quý III/2024

Đáng nói, các công ty thương mại thép khác như Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) còn gặp thách thức nghiêm trọng hơn.

Tại Thép Tiến Lên, quý III ghi nhận khoản lỗ 122 tỷ đồng, nâng lũy kế lỗ từ đầu năm 2024 lên 275 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lợi nhuận gộp âm, cùng áp lực từ chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và hiệu quả thấp trong đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh.

Tại ngày 30/9/2024, tồn kho của Thép Tiến Lên chạm mốc 2.491 tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng tài sản. Đồng thời, nợ vay đã tăng thêm 261 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 1.711 tỷ đồng, tương đương 108,4% vốn chủ sở hữu.

Tương tự, Công ty Đầu tư Thương mại SMC không còn lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư và bán tài sản như trong nửa đầu năm 2024. Quý III, công ty ghi nhận lỗ 82 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 147 tỷ đồng, tương đương 19,9% vốn điều lệ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) tuy không lỗ trong quý III nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã có phần chậm lại. Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty tăng thêm 1.276,7 tỷ đồng nợ vay, đạt 6.044 tỷ đồng, bằng 103,3% vốn chủ sở hữu. Đồng thời, tồn kho tăng 858 tỷ đồng lên 6.577 tỷ đồng, tương đương 47,7% vốn chủ sở hữu.

Theo báo Đầu tư, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital, cho biết: “Việc tăng nợ vay trong khi giá thép giảm đã khiến doanh nghiệp phải tích trữ hàng tồn kho với giá cao, buộc phải trích lập dự phòng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ trong quý III”.

Loạt doanh nghiệp thép quy mô lớn trên sàn báo lỗ, có phải do 'tác dụng ngược' từ hàng tồn kho?
Giá thép cuộn cán nóng trong 5 năm trở lại đây

>> Hòa Phát (HPG) đã cạnh tranh được với ngành thép Trung Quốc về chi phí sản xuất trong hành trình tìm sự công bằng tại ‘sân nhà’

Tuy nhiên, ngành thép vẫn có điểm sáng khi CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả ấn tượng. Quý III, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng mạnh 51%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Hòa Phát đạt 105.329 tỷ đồng, tăng 23%, lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng tới 140%, hoàn thành lần lượt 75% và 92% kế hoạch năm.

Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của Hòa Phát đạt xấp xỉ 211.400 tỷ đồng, tăng gần 24.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả tăng gần 15.000 tỷ, đạt gần 100.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Hòa Phát ghi nhận mức nợ vay tài chính cao nhất từ trước đến nay với 78.700 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ so với đầu năm và 6.000 tỷ so với cuối quý II. Tập đoàn cho biết, mức gia tăng nợ vay nhằm đáp ứng tiến độ giải ngân của các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Doanh số bán hàng đã hồi phục, nhưng giá thép vẫn duy trì ở mức thấp

Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép đã tăng khoảng 24,3%, đạt 5,86 triệu tấn, ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Lũy kế tổng sản lượng tiêu thụ trong nước đạt hơn 3,2 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ; trong khi đó, xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn, tăng đến 39,4%.

Tuy nhiên, theo tổng hợp từ báo Đầu tư, giá thép tấm cuộn cán nóng từ Trung Quốc trong quý III/2024 chỉ ở mức trung bình 470 USD/tấn, giảm 16% so với đầu năm, và giá thép trong nước của Việt Nam cũng vẫn ở mức thấp.

>> 'Bộ ba lợi thế' sẽ giúp Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) không sợ 'ế' hàng trong năm 2025

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 12/11: KDH, HSG, GMD

Kết quả kinh doanh ấn tượng, Hoa Sen (HSG) mở văn phòng tại Trung Quốc và lập tổng kho ở Hà Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loat-doanh-nghiep-thep-quy-mo-lon-tren-san-bao-lo-co-phai-do-tac-dung-nguoc-tu-hang-ton-kho-259670.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loạt doanh nghiệp thép quy mô lớn trên sàn báo lỗ, có phải do 'tác dụng ngược' từ hàng tồn kho?
    POWERED BY ONECMS & INTECH