Loạt lãnh đạo công ty đào vàng đầu tiên niêm yết trên sàn nộp đơn từ nhiệm với lý do thay đổi nơi sinh sống
Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác, chế biến sản xuất tinh quặng vàng.
Ngày 2/12/2024, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Vàng Lào Cai (UPCoM: GLC) đã ra nghị quyết miễn nhiệm ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, gồm ông Nguyễn Tiến Đức (Chủ tịch), ông Nguyễn Tiến Hải và bà Hoàng Thị Quế. Quyết định này được đưa ra sau khi công ty nhận được đơn từ nhiệm với lý do cá nhân và thay đổi nơi sinh sống của ba lãnh đạo, trong đó ông Nguyễn Tiến Hải mới được bổ nhiệm vào tháng 7/2024.
Việc thay đổi nhân sự này diễn ra chưa đầy ba tháng sau Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào tháng 9/2024, nơi cả ba lãnh đạo vừa từ nhiệm đều tham gia thành phần chủ tọa. Đại hội này đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm việc phê duyệt các giao dịch tài chính với cựu Chủ tịch Nguyễn Tiến Đức và Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình với tổng giá trị lên đến 110 tỷ đồng.
Đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Tiến Hải |
GLC đã nhanh chóng bổ nhiệm ba thành viên mới vào HĐQT, gồm ông Trần Quang Đặng (Chủ tịch), bà Nguyễn Thị Huyền và bà Phạm Thị Thu Nguyệt. Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt với tình trạng tài chính ảm đạm. Từ năm 2019, GLC liên tục báo lỗ, nâng lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 lên 113 tỷ đồng.
>> Lãnh đạo cấp cao thứ 4 của FLC xin từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ
Vàng Lào Cai đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 1/2019, được xem là doanh nghiệp duy nhất có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực đào, khai thác vàng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GLC bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2024 do các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán suốt ba năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu âm.
GLC được thành lập tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng với 5 cổ đông tham gia góp vốn ban đầu là: Tổng công ty khoáng sản - Vinacomin (nay là Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP) (33%); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khoáng sản 3 (nay là Công ty cổ phần Khoáng sản 3 – Vimico) (27%); Công ty Khoáng sản Lào Cai (15%); Công ty TNHH Thái Nguyên (15%) và Công ty Đông Bắc (10%). Đến cuối năm 2023, vốn điều lệ tăng lên 105 tỷ đồng nhưng cơ cấu cổ đông đã thay đổi đáng kể.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất là ông Cao Trường Sơn (23,29%), tiếp theo là ông Uông Huy Giang (22,91%), ông Đỗ Tuấn Thịnh (22,86%), ông Phạm Anh Tuấn (13,48%) và Công ty TNHH MTV Khoáng sản - Bitexco (6,43%).
Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn, với sản lượng cỡ 7.450 tấn/năm, tương đương với khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm; tinh quặng vàng quy đổi ra vàng được phép khai thác lớn nhất 500 kg vàng/năm.
Dù hết phép khai thác đã lâu (năm 2019) và đến nay chưa được cấp phép lại, Ban lãnh đạo công ty vẫn rất lạc quan, đánh giá rằng mỏ sẽ sớm được cấp phép khai thác trở lại. Ban lãnh đạo cũng "hứa" rằng trong trường hợp cần thiết sẽ làm việc với các chủ nợ để gia hạn thanh toán, đồng thời xin ý kiến chủ sở hữu để bổ sung vốn nếu cần thiết.
Thực tế, báo cáo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh cho biết công tác khai thác trước đó của công ty gặp nhiều khó khăn, tình hình điều kiện địa chất, trữ lượng địa chất các thân quặng đã khai thông mở vỉa và triển khai khai thác cho thấy có sự biến động rất lớn so với báo cáo địa chất, bao gồm cả sự biến động về khối trữ lượng và cả về hàm lượng kim loại.
>> Nhà Thủ Đức (TDH) nợ thuế hơn 90 tỷ đồng, Tổng Giám đốc nộp đơn xin từ chức
DN có 3 nhân viên, dàn lãnh đạo đồng loạt từ nhiệm, cổ phiếu tăng 8 lần
Thành viên HĐQT Gilimex (GIL) muốn bán lượng lớn cổ phiếu, nộp đơn từ nhiệm