Lộc Trời trình phương án chuyển sàn sang HoSE
Lộc Trời sẽ trình cổ đông về việc triển khai các thủ tục liên quan đến niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong năm 2024.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) mới đây đã công bố thư mời kèm tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 26/6 tại xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Trong các nội dung dự kiến thảo luận tại đại hội, có một điểm đáng chú ý là tờ trình chấp thuậ và đưa kiến nghị của cổ đông vào chương trình làm việc, dựa trên thư kiến nghị từ cổ đông Marina Viet Pte. Ltd. Nội dung này là "Thảo luận và thông qua việc triển khai niêm yết cổ phiếu công ty trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) trong năm 2024". Đồng thời, Lộc Trời cũng sẽ trình cổ đông về việc triển khai các thủ tục liên quan đến niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong năm 2024.
Trước đó, Lộc Trời đã lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 24/4. Tuy nhiên, vào ngày 16/4, HĐQT LTG đã thông qua nghị quyết gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ theo đề xuất của cổ đông lớn, nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị và tham gia biểu quyết tại đại hội tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Trong quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848,7 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý vừa qua, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.
Tại thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản LTG tăng 4% so với đầu năm lên 11.912,5 tỷ đồng. Trữ tiền ở mức 226 tỷ đồng, giảm sâu 63% so với đầu năm.
Đáng chú ý, doanh nghiệp có hơn 6.472 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, chiếm tới 54,3% tài sản của LTG.
Tính tới 30/3/2024, Lộc Trời có 826,3 tỷ đồng nợ khó đòi, trong đó phải dự phòng tới hơn một nửa là 490 tỷ đồng dự phòng khó đòi. Nợ khả năng thu hồi thấp là 384,1 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm la 293,7 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm là 125,3 tỷ đồng, nợ quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm 13,7 tỷ đồng, quá hạn từ 3 năm trở lên gần 9,5 tỷ đồng... Hàng tồn kho tăng mạnh 43%, đạt hơn 2.816 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 6% so với đầu năm lên gần 8.939 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn nhích nhẹ, đạt 6.246 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nợ, vay nợ dài hạn ở mức gần 81 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Cũng liên quan đến Lộc Trời, mới đây, báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đã chỉ ra, trong vụ mùa này, Tập đoàn Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân tại các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn. Tương tự, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, số tiền nợ của họ lên đến 227 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tập đoàn Lộc Trời đã thanh toán thêm một phần của số tiền nợ vào ngày 24/4 với 57 tỷ đồng. Nhưng vẫn còn hơn 204 tỷ đồng chưa được thanh toán cho nông dân.
Lý do cho việc thanh toán không đúng hạn do Lộc Trời chưa thu xếp được dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Doanh nghiệp này thường xuất khẩu với số lượng lớn, nhưng tiền thanh toán từ khách hàng quốc tế lại chậm, khiến cho nguồn tiền thanh toán cho nông dân bị chậm trễ.
Tuy nhiên, đại diện của Tập đoàn Lộc Trời cam kết tiếp tục làm việc với các ngân hàng và đối tác để ưu tiên giải ngân tiền và chi trả tiền mua lúa cho nông dân. LTG cũng cam kết chi trả lãi suất 0,8% mỗi tháng (tương đương 9,6% mỗi năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở đi, và sẽ tiến hành trả tiền mỗi tuần, hoàn thành việc trả nợ đến ngày 20/5.
Tập đoàn Lộc Trời nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân
Tập đoàn Lộc Trời nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân
Lộc Trời (LTG) làm thế nào để trả khoản nợ 160 tỷ đồng cho 900 nông dân khi đang lỗ nặng?