Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng). Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước, dự kiến sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Sân bay Long Thành nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc quy hoạch của huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai để trở thành khu đô thị tầm cỡ, với trung tâm là khu vực cảng hàng không, sân bay.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng, dự kiến từ sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Mục tiêu này được đặt ra bởi sân bay Long Thành có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý. Từ sân bay Long Thành, sẽ chỉ mất khoảng 3 giờ bay là có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính vì vậy, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là "cửa ngõ" thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới về mặt kinh tế.
Đồng Nai có vị thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tỉnh nằm rất gần với trung tâm TP.HCM, đô thị lớn nhất cả nước. Cùng với đó, Đồng Nai có tuyến giao thông thuận tiện đến Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có hệ thống cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam. Sân bay Long Thành, Đồng Nai cách cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 40km.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai nằm giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm và có mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Đồng Nai nối liền Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trọng yếu phía đông của TP.HCM.
Sân bay Long Thành sẽ trở thành “cầu nối” phát kiển kinh tế của Việt Nam
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện. Các công trình hạ tầng hiện hữu, những hệ thống giao thông liên kết kinh tế chính của địa phương gồm có: quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Về đường sắt, tỉnh Đồng Nai hiện chiếm hơn 5% tổng chiều dài đường sắt Việt Nam, với 8 nhà ga đường sắt để vận tải hàng hóa và con người.
Chình vì thế, khi Đồng Nai sẽ có thêm sân bay Long Thành là sân bay lớn nhất cả nước, tỉnh sẽ có đầy đủ 5 phương thức về giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa. Từ đó, tỉnh có được nhiều thuận lợi về tiềm năng phát triển logistics trong giao thương hàng hải quốc tế.
Trên thực tế, Đồng Nai là tỉnh luôn nằm trong nhóm những tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu chục tỷ USD của cả nước.
Lợi thế về hạ tầng giao thông của Đồng Nai còn được bổ sung thêm nhờ hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển số 4.
Theo quy hoạch này, Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân. Trong số này, cảng Phước An chính là cảng biển trọng điểm của tỉnh.
Hiện nay, Đồng Nai là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác. Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những tiềm năng sẵn có về logistics góp phần giúp Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ hàng đầu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.