Luật hóa kiểm định khí thải xe máy - Giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường

11-07-2023 08:18|Gia Nguyễn

Trước đề xuất luật hóa kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy, theo chuyên gia, đây là bước tiến quan trọng để giảm thiểu tiêu cực cho giao thông và môi trường...

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Đáng chú ý, tại Dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất xe mô tô, xe gắn máy phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.

Bộ GTVT đề xuất xe mô tô, xe gắn máy phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải - Ảnh minh họa: ITN

Lý giải việc đề xuất quy định này, Bộ GTVT cho biết, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 và Báo cáo chất lượng không khí năm 2017 của GreenID thì phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Trong khi, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Chính vì vậy, tại Chương phương tiện giao thông đường bộ trong Dự thảo Luật Đường bộ đưa ra lấy ý kiến gồm 8 Điều (từ Điều 47 đến Điều 54), ban soạn thảo đã quy định về kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Cụ thể, tại khoản 10, Điều 49 quy định: “Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

Bộ GTVT quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định về khí thải xe mô tô, xe gắn máy; trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Điều 51 quy định việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy (trừ xe mô tô, xe gắn máy thuần điện) được thực hiện tại các trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Theo chuyên gia, việc luật hóa kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy sẽ giúp giảm các tác động tiêu cực từ phương tiện cũ nát - Ảnh minh họa: ITN

Đáng nói, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Luật Đường bộ đưa ra lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều phân tích trong việc đề xuất chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ GTVT thừa nhận quy định kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy khiến người sử dụng xe phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện, tuy nhiên, chi phí này sẽ được bù đắp được bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện (giảm thời gian dừng khai thác phương tiện do hư hỏng, kéo dài tuổi thọ và duy trì khả năng khái thác phương tiện), giảm chi phí nhiên liệu…

Đánh giá về đề xuất đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của phương tiện cũ nát đối với giao thông và môi trường.

Thông tin với báo chí, chuyên gia giao thông - Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận, muốn giảm thiểu khí thải xe máy, biện pháp đầu tiên là phải tập trung xóa bỏ lượng xe cũ nát; đồng thời rà soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với khí thải của xe đang lưu hành. Muốn làm được như vậy, trước tiên phải “luật hóa” yêu cầu kiểm kiểm định khí thải đối với xe máy. Có căn cứ pháp lý là luật được ban hành chính thức, cơ quan chức năng mới có thể dần dần đưa công tác này vào triển khai thực tế.

Hơn nữa phải có luật làm căn cứ thực hiện thì các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT… mới xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với khí thải từ xe máy…

Còn theo Ths Quản lý đô thị - Phan Trường Thành, cần phải thông qua việc kiểm soát khí thải xe máy sớm, bởi phía sau còn rất nhiều công đoạn cần thực hiện. Từ việc đưa ra quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng các trạm kiểm định, nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân, quy định mức xử phạt… đều rất mất thời gian.

“Bước đi đầu tiên là đưa ra luật phải nhanh chóng, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh hoàn thiện toàn bộ quy trình kiểm soát khí thải xe máy”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Thực tế, theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT, cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe gắn máy, chiếm trên 90% lượng phương tiện giao thông, đây là một trong những nguồn phát thải chính trên lĩnh vực giao thông nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ do thiếu các quy định cụ thể của pháp luật.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… lượng xe máy tập trung đông, có hàng triệu chiếc là xe cũ nát, vừa không bảo đảm an toàn khi lưu thông, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, việc kiểm định khí thải đối với xe máy đã được bàn đến từ lâu nhưng vẫn chưa thể đi vào thực tế bởi vẫn còn đó không ít ý kiến trái chiều, khi không ít người lo ngại sẽ bị xử phạt hoặc tịch thu phương tiện khi phát hiện khí thải không đạt tiêu chuẩn, hoặc lo ngại tốn kém khi phát sinh thêm chi phí kiểm định hoặc sửa chữa, đặc biệt, đa phần phương tiện cũ nát còn sử dụng tập trung chủ yếu ở những người lao động khó khăn...

Được biết, theo lộ trình, sau khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ, sau đó báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Thành lập Ban chỉ đạo công tác chuẩn bị khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành lãi gần 10.000 tỷ đồng năm 2024

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/luat-hoa-kiem-dinh-khi-thai-xe-may-giam-thieu-tac-dong-tieu-cuc-cho-moi-truong-247189.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Luật hóa kiểm định khí thải xe máy - Giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường
    POWERED BY ONECMS & INTECH