Hình thành kế hoạch 'đầy tham vọng' nhằm đào tạo kỹ sư cho 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao
Trước đó, vào chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Sáng 24/2, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (trực thuộc Bộ GTVT) phối hợp với trường Đại học Giao thông Vận tải (UTC) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và khai giảng khóa đào tạo kỹ sư chuyên ngành đường sắt trình độ đại học.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặt ra nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nhấn mạnh rằng đào tạo kỹ sư đường sắt là một chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành giao thông. Theo ông, việc chủ động hợp tác với trường Đại học Giao thông Vận tải không chỉ giúp xây dựng đội ngũ kỹ sư bài bản mà còn tạo nền tảng vững chắc để triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn trong thời gian tới.
Vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, nhằm sẵn sàng tham gia vào các dự án quy mô lớn trong tương lai.
Hưởng ứng chủ trương này, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã tích cực kết nối và hợp tác với Đại học Giao thông Vận tải, tạo điều kiện tối đa để học viên được đào tạo bài bản và thực hành thực tế.
![]() |
Hình ảnh tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Trường Đại học Giao thông Vận tải |
>> Bùn đất bất ngờ 'phun trào' ngập phố, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội nói gì?
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải, cam kết nhà trường sẽ huy động mọi nguồn lực để đào tạo nhân sự chất lượng cao cho khu vực phía Nam, trong đó có 20 học viên từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận. Chương trình không chỉ nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn hướng tới nâng cao trình độ và kỹ năng thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành đường sắt tốc độ cao.
Trước đó, vào chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD.
Tương tự như các mô hình phát triển đường sắt trên thế giới, dự án này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn được xem là biểu tượng của khát vọng đổi mới, tinh thần hành động quyết liệt và sự sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra những cơ hội đột phá cho đất nước.
>> Hải Phòng muốn góp gần 11.000 tỷ đồng cho dự án đường sắt quy mô hơn 8 tỷ USD