Lương hưu được điều chỉnh tăng thế nào từ 1/7?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam kiến nghị từ 1/7 lương hưu tăng 8%, tuy nhiên Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ít nhất lương hưu phải tăng 15%. Vậy lương hưu được điều chỉnh tăng thế nào cho phù hợp?
Trong góp ý gửi đến Bộ LĐ-TB&XH về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của năm 2024, BHXH Việt Nam đề xuất tăng thêm 8% cho người hưởng hưu trí cả khu vực công và tư từ ngày 1/7 tới. Kinh phí dự kiến hơn 8.800 tỷ đồng.
BHXH Việt cho rằng, việc điều chỉnh lương hưu 8% từ ngày 1/7 là phù hợp. Mức tăng dựa trên chỉ số giá tiêu dùng 3,35% và GDP đạt 5,05% năm 2023; đồng thời cũng sẽ giảm bớt chênh lệch trong thụ hưởng giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7 trở đi.
Trước đó, trong buổi làm việc đầu năm của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu theo tinh thần: Không để người hưu trí rơi vào khó khăn, thiệt thòi hơn khi cải cách.
"Khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng rất thiệt thòi. Do đó, cần tính toán cân đối, hài hòa. Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất, lương hưu phải tăng 15%”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.
Không để người hưởng lương hưu chịu thiệt
Trao đổi với VietNamNet, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, BHXH và Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mức đề xuất tăng dựa trên quan điểm “cái lý của mỗi bên”.
BHXH Việt Nam đề xuất mức tăng dựa theo quy định tại điều 57 Luật BHXH điều chỉnh lương hưu theo chỉ số trượt giá. Dù quy định trong luật, nhưng những lần trước chưa thực hiện được do lương hưu còn rất thấp, do vậy khi lương công chức, viên chức tăng bao nhiêu thì lương hưu cũng tăng tương xứng.
Hơn nữa, do quy định người về hưu trước 1/1/1995 ngân sách nhà nước chi trả, còn người về hưu sau 1/1/1995 BHXH chi trả. Do vậy, khi mức lương hưu tăng cao, BHXH Việt Nam lo phải chi ra nhiều hơn sợ ảnh hưởng đến quỹ.
Trong khi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra mức 15% dựa trên quan điểm lương công chức, viên chức tăng hơn 20% thì mức lương hưu cũng phải tăng tương xứng, đảm bảo người hưởng không bị thiệt thòi.
Ông Phạm Minh Huân cho biết, việc tăng lương hưu ở mức thấp đảm bảo an toàn cho quỹ BHXH, nhưng lại ảnh hưởng đến người về hưu. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH cần phải thống nhất với BHXH để lựa chọn phương án hài hòa.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cần rút kinh nghiệm những lần tăng lương trước, sớm thống nhất phương án trình Chính phủ để quyết sớm người về hưu được nhận lương tăng từ 1/7, tránh phải điều chỉnh thời gian nhân gây bức xúc cho người hưởng lương hưu.
Còn nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng lương bao nhiêu thì người về hưu cũng phải được điều chỉnh tăng tương xứng. Nếu tăng quá thấp, người về hưu sẽ bị thiệt do trượt giá tiêu dùng.
“Nếu tăng lương hưu không cẩn thận sẽ không bù được trượt giá thì chỉ làm cho người hưởng lương hưu khó khăn hơn”, ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, cải cách tiền lương là quá trình tích luỹ của nhiều năm mà trong đó thế hệ trước tích lũy cho thế hệ bây giờ. Nguồn quỹ 560.000 tỷ đồng từ quỹ BHXH là quá trình tích lũy của thế hệ trước, nếu tăng lương không phù hợp thì không đảm bảo công bằng với người về hưu.