Lý do giúp cựu ngoại trưởng Mỹ sống thọ 100 tuổi
Henry Kissinger vẫn sống thọ dù có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, cuộc sống nhiều áp lực và không tập thể dục.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger vừa qua đời tại nhà riêng ở Mỹ ngày 29/11. Vị chính khách huyền thoại thọ 100 tuổi. Trước đây, Kissinger từng bày tỏ sự ngạc nhiên khi mình sống lâu tới như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Kissinger nói: “Làm thế nào tôi có thể sống đến 100 tuổi? Tôi không biết. Tôi không nhắm tới điều đó".
Theo người thân, Kissinger làm nhiều điều mà bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên thực hiện.
Con trai ông, David, đã viết về lối sống và tuổi thọ của cha mình cho Washington Post vào đầu năm nay. Theo đó, Kissinger thường ăn xúc xích và món thịt rán kiểu Bỉ, luôn phải đưa ra những quyết định căng não, yêu thích thể thao nhưng với tư cách khán giả chứ không tham gia tập.
“Nghiện” việc giúp sống lâu
Tuy nhiên, vị chính khách Mỹ lại có bộ não hoạt động không ngừng với "sự tò mò không thể nguôi ngoai" và "ý thức về sứ mệnh".
Bất chấp tình trạng sức khỏe suy giảm, Kissinger vẫn tham gia các sự kiện trong những ngày cuối đời. Ông xuất hiện trước công chúng ở Trung Quốc và Washington DC (Mỹ) ngay sau sinh nhật lần thứ 100.
Cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cùng với Kissinger viết một cuốn sách về AI xuất bản năm 2022. Schmidt nhận xét, Kissinger không bao giờ ngừng làm việc và cho rằng điều đó đã giúp cựu ngoại trưởng Mỹ sống lâu. “Ông ấy chăm chỉ hơn một người 40 tuổi. Ông ấy làm cả ngày. Sau khi ăn tối với gia đình, ông tiếp tục công việc vào ban đêm. Tôi tin rằng bí quyết sống lâu là trở thành một người nghiện việc”.
Dawn Skelton, giáo sư về lão hóa và sức khỏe tại Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland, nói với Business Insider: “Trí óc năng động và ham học hỏi, ý thức về mục đích và sự gắn kết giữa các thế hệ của Kissinger là nền tảng giúp ông sống thọ. Cùng với đó là một số gene tốt và tất nhiên là tài chính để đảm bảo giải quyết ngay mọi vấn đề sức khỏe”.
Mặc dù không tham gia tập thể dục nhưng Kissinger vẫn thường xuyên di chuyển, không bao giờ ngồi quá lâu.
Kết nối xã hội và di truyền
"SuperAger” là những người trên 80 tuổi có trí nhớ tốt như 50 tuổi, không nhất thiết phải tuân theo những gì chúng ta coi là lối sống lành mạnh.
Nhiều yếu tố lối sống liên quan đến sức khỏe, như duy trì vận động, kiểm soát căng thẳng, tuân theo chế độ ăn uống cân bằng và không hút thuốc, đều có liên quan đến tuổi thọ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có những yếu tố tương đương, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, đôi khi bị bỏ qua.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Glasgow ghi nhận những người lớn tuổi được gia đình và bạn bè đến thăm mỗi tháng một lần sẽ sống lâu hơn nhóm ít được thăm hỏi.
Duy trì lịch trình hoạt động hằng ngày có liên quan đến việc sống lâu hơn, ngay cả khi những thói quen đó không phải là lành mạnh nhất.
Di truyền cũng đóng một vai trò lớn trong việc con người sống được bao lâu. Giáo sư Skelton đánh giá: “Di truyền tốt là một điều tuyệt vời”. Sống đến 99 hoặc 100 tuổi không phải là điều bất thường như trước đây.
Theo Thomas Perls, Giám đốc Nghiên cứu Người trăm tuổi ở New England (Mỹ), sống đến 90 tuổi do di truyền khoảng 30% và lối sống (70%); sống tới 100 tuổi có khoảng 70% do di truyền.
Cha mẹ của Kissinger đều sống tới gần 100 tuổi nên có khả năng di truyền đã đóng vai trò quan trọng trong tuổi thọ của ông.
Người Việt sống thọ hơn, già hoá dân số đang diễn ra rất nhanh
'Tiên dược dưới biển' là món yêu thích của các cụ 90 tuổi ở Nhật Bản