Lý do hội nghị mở rộng của BRICS khiến EU lo lắng
Cuộc họp mở rộng của khối BRICS tại Kazan (Nga) đang thu hút chú ý của Liên minh châu Âu (EU). Với sự tham gia của nhiều nền kinh tế mới nổi và những nhân vật có tầm ảnh hưởng toàn cầu, sự kiện này đang làm dấy lên những lo ngại của EU về khả năng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao Nhóm BRICS tại Kazan, Nga ngày 23/10/2024. Ảnh: ANI/TTXVN |
Theo trang tin Euronews.com ngày 24/10, hội nghị mở rộng đáng chú ý của BRICS đang tạo ra một làn sóng lo ngại trong giới hoạch định chính sách EU. BRICS, từ một nhóm 5 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã chào đón thêm 5 thành viên mới hồi đầu năm 2024: Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Điều đáng chú ý là quy mô kinh tế của khối này hiện chiếm hơn 37% GDP toàn cầu, gấp 2,5 lần quy mô của EU. Con số này khiến cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta phải cảnh báo trước Nghị viện châu Âu rằng EU cần phải tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế nếu không muốn trở thành "thuộc địa" của Mỹ hoặc Trung Quốc trong tương lai gần.
Cuộc họp tại Kazan lần này còn thu hút sự chú ý với danh sách những người tham dự đáng chú ý. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp trong thời gian diễn ra hội nghị. Đặc biệt, sự hiện diện của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - lãnh đạo của quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO - đã gây nhiều tranh cãi trong EU.
Theo Stewart Patrick, chuyên gia từ Quỹ Carnegie Endowment, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này đang muốn thể hiện họ có nhiều lựa chọn ngoại giao, không chỉ đơn thuần dựa vào phương Tây. Điều này được cho là phản ứng sau nhiều lần bị từ chối tư cách thành viên EU.
Một điểm gây chú ý khác là việc Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tham dự cuộc họp. Động thái này đã vấp phải phản ứng từ Ukraine và Litva. Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng đây là một lựa chọn sai lầm không thúc đẩy mục tiêu hòa bình.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa EU với các thành viên chủ chốt của BRICS đang ngày càng căng thẳng, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga. Các vấn đề như rạn nứt trong thương mại tự do và cuộc xung đột ở Ukraine đã góp phần làm trầm trọng thêm tình hình.
Tuy nhiên, chuyên gia Patrick nhận định rằng thách thức từ BRICS đối với trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu chưa diễn ra ngay lập tức.
>> Nóng: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bắt đầu xin gia nhập BRICS
Nóng: Lào tuyên bố muốn gia nhập BRICS
Nóng: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bắt đầu xin gia nhập BRICS