Thế giới

Lý do NATO được đánh giá chưa đủ năng lực quân sự đối đầu với Nga

Minh Thu 23/10/2024 - 07:23

Thiếu đạn dược và sự đoàn kết được cho là nguyên nhân khiến NATO bị cho là chưa đủ năng lực để đối đầu với Nga trong một cuộc xung đột tốn kém và kéo dài.

"NATO không thể đánh bại Nga với năng lực hiện tại mà không phải chịu tổn thất đáng kể về người, vật chất, và thậm chí mất chủ quyền lãnh thổ tạm thời", ông Gordon B. Davis tại Viện nghiên cứu CEPA và từng là Phó trợ lý Tổng thư ký NATO chia sẻ với tờ Kyiv Independent.

Theo các chuyên gia, 32 thành viên NATO có thể triển khai một lực lượng chiến đấu hùng mạnh và hiện đại, song ít nhất là lực lượng châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, ngành công nghiệp quốc phòng bị chia cắt, và thiếu năng lực phòng không. Bên cạnh đó, NATO còn đối mặt với vấn đề về sự đoàn kết và ý chí của các nước phương Tây trong việc phải hy sinh cho một cuộc chiến tốn kém và kéo dài.

nga nato nang luc quan su.jpg
Trực thăng Merlin và tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Ông Davis cho rằng, những điểm yếu chính của NATO gồm "phòng thủ tên lửa và không quân tích hợp; giám sát liên tục; hệ thống tấn công tầm ngắn đến tầm xa bao gồm máy bay không người lái (UAV); tác chiến điện tử trên bộ; kho đạn dược như pháo binh, súng cối, chống tăng; và khả năng tác chiến chống tàu ngầm".

Lý do chính là khoản chi quốc phòng của các nước hậu Chiến tranh Lạnh đã bị cắt giảm. Với suy nghĩ nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột toàn diện với Nga không còn, nhiều nước châu Âu đã giảm mức chi tiêu quốc phòng trung bình từ 2,4% xuống 1,6% GDP trong giai đoạn 1990-2000.

Ngoài ra, 24 quốc gia thành viên đã từ bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự trong khoảng 2 thập kỷ sau năm 1990. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trong khi lực lượng trên bộ của Đức, Italia, Pháp và Anh có thể triển khai 215, 135, 106 và 94 tiểu đoàn vào năm 1990, thì con số này đã giảm xuống còn 33, 46, 44 và 50 vào năm 2020. Ngay cả Mỹ cũng thu hẹp quy mô quân đội.

Tới năm 2014, thời điểm xảy ra xung đột ở Donbass thuộc miền Đông Ukraine, và bán đảo Crưm, thuộc Ukraine sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga, NATO mới bắt đầu thức tỉnh.

"Kể từ năm 2014, bắt đầu từ hội nghị Wales và các hội nghị thượng đỉnh sau đó, chúng tôi đã thực sự nâng cao mức độ sẵn sàng của NATO", Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Philip M. Breedlove, Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu (SACEUR) từ năm 2013-2016, cho hay.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu NATO hiện đã sẵn sàng đối mặt với Nga hay chưa, ông Breedlove trả lời “không, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng hơn nhiều so với năm 2014".

Hội nghị thượng đỉnh xứ Wales đã chứng kiến việc NATO thành lập “Kế hoạch hành động sẵn sàng” nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tập thể và răn đe. Hai năm sau, NATO đã triển khai kế hoạch “Tăng cường hiện diện tiền phương” bằng cách triển khai ban đầu 4, sau đó là 8 tiểu đoàn dọc theo sườn phía đông của liên minh.

Đến năm 2022, SACEUR chịu trách nhiệm chỉ huy 40.000 quân từ Biển Baltic đến Biển Đen, cùng hàng chục nghìn quân của các nước chủ nhà, và khoảng 100.000 lính Mỹ ở châu Âu.

NATO đã tăng cường chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu Nga, sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Cụ thể, tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, các thành viên đã thông qua “Mô hình lực lượng NATO,” một kế hoạch phòng thủ 3 cấp giúp 300.000 quân sẵn sàng hoạt động chỉ trong một tháng, và nửa triệu quân trong vòng nửa năm.

Ngoài ra, NATO còn tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu thông qua các cuộc tập trận trên không và trên biển như cuộc tập trận Steadfast Defender trong năm nay với sự tham gia của 90.000 quân. Sự kiện này trở thành cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh.

Chi tiêu quân sự của NATO cũng tăng mạnh. Vào năm 2014, chỉ có 3 thành viên NATO đạt ngưỡng chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP. Nhưng một thập kỷ sau, con số này đã tăng lên 19 nước.

Theo phân tích của CSIS, năm 2014, các đồng minh NATO ở châu Âu đã tăng chi tiêu quốc phòng lên con số 380 tỷ USD. Cùng năm, chi tiêu quốc phòng của Nga là khoảng 110 tỷ USD.

Thực tế sau những con số

Giới chuyên gia cho rằng, nhiều kế hoạch mà NATO xây dựng sẽ đối mặt với thách thức khi triển khai. Điển hình, nỗ lực huy động 300.000 quân trong một tháng là khó có thể thực hiện, do mức độ nhập ngũ thấp ở các quốc gia thành viên. Các nhà phân tích của IISS cũng chỉ ra rằng, chỉ số ít đội quân châu Âu thực sự tăng quy mô trong thập kỷ qua.

Bất chấp các khoản đầu tư mới vào sản xuất quốc phòng, hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson thừa nhận có thể phải mất tới 2 năm, trước khi NATO có thể sản xuất đạn pháo đạt đến mức mong muốn.

Các tên lửa tầm xa như Storm Shadow hoặc Taurus thậm chí hiện còn không được sản xuất, trong khi số tên lửa lưu kho đã được chuyển tới Ukraine.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), không tính Mỹ, NATO hiện có khoảng 1,9 triệu quân nhân đang tại ngũ, 2.400 máy bay sẵn sàng chiến đấu, và 6.650 xe tăng. Trong khi đó, Nga ước tính có 1,1 triệu quân đang tại ngũ, 1.370 máy bay, và 2.000 xe tăng.

>> Nước châu Âu hỗ trợ Ukraine 2,3 tỷ bảng bằng tài sản bị đóng băng của Nga

Tướng NATO cảnh báo quân đội Nga mạnh hơn sau xung đột ở Ukraine

Nga cảnh báo cứng rắn phương Tây về ý tưởng cho phép Ukraine gia nhập NATO

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ly-do-nato-duoc-danh-gia-chua-du-nang-luc-quan-su-doi-dau-voi-nga-2334265.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lý do NATO được đánh giá chưa đủ năng lực quân sự đối đầu với Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH