Lý do thật đằng sau việc ông Trump muốn đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ
Giữa những hoài nghi về hiệu quả hoạt động, xung đột ý thức hệ và áp lực cắt giảm ngân sách liên bang, số phận của Bộ Giáo dục Mỹ có thể ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 đã tuyên bố muốn đóng cửa Bộ Giáo dục liên bang ngay lập tức.
Trước đó, trong một phát biểu vào tuần trước, Tổng thống Mỹ cho biết ông dự định giải thể bộ này bằng sắc lệnh hành pháp. Tuy nhiên, ông thừa nhận cần có sự ủng hộ từ Quốc hội và các công đoàn giáo viên để thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Theo AP, ông Trump đã trình bày kế hoạch với bà Linda McMahon, ứng viên ông đề cử cho vị trí Bộ trưởng Giáo dục từ một tuần trước. “Tôi muốn Linda tự từ chức ngay sau khi nhận nhiệm vụ”.
Tại Mỹ, các chính sách giáo dục chủ yếu do chính quyền tiểu bang và địa phương quản lý. Bộ Giáo dục liên bang là một cơ quan tương đối nhỏ, chỉ với hơn 4.000 nhân viên và ngân sách hàng năm 268 tỷ USD.

Cơ quan này chịu trách nhiệm giám sát khoản vay liên bang 1,6 nghìn tỷ USD cho sinh viên, cũng như phân bổ ngân sách cho các trường thuộc giáo dục phổ thông từ mẫu giáo đến lớp 12 (chương trình K-12).
Kế hoạch này của Tổng thống Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt trong giới giáo dục và chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng việc đóng cửa Bộ Giáo dục có thể chỉ là một phần của kế hoạch cắt giảm ngân sách, trong khi những người khác xem đây là một động thái mang tính chính trị.
Quan trọng hơn, tính khả thi của kế hoạch này và những hệ quả mà nó có thể mang lại đang trở thành chủ đề được quan tâm trong các cuộc thảo luận về chính sách giáo dục.
Những xung đột về tư tưởng
Theo phân tích từ Jo Adetunji, nhà nhân chủng học và tác giả cuốn "It Can Happen Here" về phong trào MAGA (“Make America Great Again” - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), đề xuất giải thể Bộ Giáo dục của Tổng thống Trump phản ánh những xung đột sâu sắc về tư tưởng trong xã hội Mỹ hiện nay.
Phe ủng hộ Trump cho rằng các chính sách giáo dục hiện tại đang thúc đẩy "chương trình nghị sự thức tỉnh cấp tiến", tập trung vào các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI). Họ phản đối việc lồng ghép lý thuyết chủng tộc phê phán vào giảng dạy, cho rằng điều này làm suy yếu quyền tự do ngôn luận của phe bảo thủ.

Vấn đề bản dạng giới cũng là một điểm tranh cãi chính. Bộ Giáo dục đã mở rộng quyền bảo vệ theo Đạo luật IX vào năm 2024 để chống phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Tuy nhiên, phe Trump xem đây là "ý thức hệ giới tính cấp tiến" đi ngược lại quyền lựa chọn của phụ huynh và niềm tin tôn giáo.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm vào các chính sách DEI và quyền của người chuyển giới. Đáng chú ý nhất là sắc lệnh ngày 20/1/2025 về "chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ giới tính" và sắc lệnh ngày 29/1 về "Mở rộng quyền tự do giáo dục".
Lựa chọn trường học và quyền của phụ huynh
Kế hoạch cải cách giáo dục của Tổng thống Trump đặt trọng tâm vào việc mở rộng quyền lựa chọn của phụ huynh, phản ánh quan điểm cho rằng chính sách giáo dục công hiện tại đang hạn chế quyền tự do cơ bản của người dân Mỹ.
Dự án 2025, một trong những sáng kiến chính của chiến dịch tranh cử Trump, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa môi trường học tập. Theo đó, các gia đình cần được tự do lựa chọn giữa nhiều hình thức giáo dục khác nhau, bao gồm cả trường công lập, trường tôn giáo và học tại nhà.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp "Mở rộng quyền tự do giáo dục và cơ hội giáo dục cho các gia đình" vào ngày 29/1. Sắc lệnh này thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hệ thống phiếu giảm giá trường học và tài khoản tiết kiệm giáo dục, cho phép sử dụng ngân sách công để hỗ trợ học sinh theo học tại các trường tư thục.
Tuy nhiên, các tổ chức giáo viên hàng đầu như Hiệp hội Giáo dục Quốc gia và Liên đoàn Giáo viên Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc. Họ cho rằng việc chuyển hướng nguồn tài trợ sang khu vực tư nhân có thể làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống trường công, đặc biệt ảnh hưởng tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Một khía cạnh gây tranh cãi khác trong chương trình nghị sự của Trump là việc 'khôi phục quyền của phụ huynh'. Điều này bao gồm quyền quyết định của phụ huynh về việc con em họ có được tiếp cận với các nội dung giáo dục liên quan đến bản dạng giới ( cách một người tự nhận thức và trải nghiệm về giới tính của mình, có thể trùng hoặc không trùng với giới tính sinh học được chỉ định khi sinh ra) và định hướng giới tính tại trường công hay không.
Hiệu quả hoạt động của Bộ Giáo dục Mỹ
Sau hơn 40 năm hoạt động, Bộ Giáo dục Mỹ đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt về tính hiệu quả trong điều hành. Được thành lập dưới thời Tổng thống Carter năm 1979, cơ quan này ngày càng bị xem là biểu tượng của sự quan liêu và kém hiệu quả trong bộ máy chính quyền liên bang.
Dự án 2025 của Trump đã đưa ra đánh giá nghiêm khắc về hoạt động của Bộ Giáo dục, cho rằng cơ quan này đã phát triển vượt quá phạm vi ban đầu và chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nhóm lợi ích. Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng Bộ đã trở thành 'điểm dừng chân duy nhất cho nhóm giáo dục thức tỉnh', dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong quản lý và điều hành.
Để khắc phục tình trạng này, Dự án 2025 đề xuất một giải pháp triệt để: chuyển giao toàn bộ chương trình và ngân sách của Bộ Giáo dục cho các cơ quan liên bang khác và chính quyền tiểu bang. Đề xuất này nằm trong chiến lược tổng thể của Trump nhằm tinh giản bộ máy chính phủ và cắt giảm chi tiêu công.
Ngay trong ngày nhậm chức 20/1, Trump đã ký sắc lệnh thành lập 'Bộ Hiệu quả Chính phủ' (DOGE) dưới sự điều hành của tỷ phú Elon Musk. Trong một phát biểu gần đây vào ngày 4/2, Musk bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng thành công của kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục, góp phần khẳng định quyết tâm cải tổ hệ thống giáo dục liên bang của chính quyền mới.
Ông Trump có thể bãi bỏ Bộ Giáo dục không?
Đến nay, số phận của Bộ Giáo dục Mỹ ở cấp Liên bang vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rounds (bang Nam Dakota) đã đệ trình một dự luật vào tháng 11/2024 nhằm đóng cửa Bộ Giáo dục, làm dấy lên suy đoán rằng kế hoạch này có thể sớm được thực hiện bằng một sắc lệnh hành pháp.
Ông Trump trước đó từng có động thái tìm cách đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, cho thấy khả năng ông có thể theo đuổi chiến lược tương tự đối với Bộ Giáo dục.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc bãi bỏ một bộ liên bang đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội và cần ít nhất 60 phiếu bầu tại Thượng viện. Điều này khó xảy ra khi đảng Cộng hòa hiện chỉ nắm 53 ghế.
Trước đây, ông Trump từng đưa ra cam kết tương tự vào năm 2016 nhưng không thực hiện được. Các sắc lệnh hành pháp của ông cũng có nguy cơ vấp phải thách thức pháp lý, tương tự vụ kiện về giáo dục đại học tập trung vào chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) được đệ trình hôm 3/2. Dù vậy, những hành động của Trump trong lĩnh vực giáo dục cho thấy ông đang nỗ lực thực hiện cam kết "cải tổ bộ máy," với trọng tâm là Bộ Giáo dục.
Trong phiên điều trần phê chuẩn đề cử chức vụ Bộ trưởng tại Thượng viện, bà Linda McMahon – người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục – khẳng định các chương trình hỗ trợ liên bang dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn sẽ được duy trì.

Điều này bao gồm nguồn tài trợ theo Đạo luật I dành cho các trường học có tỷ lệ học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp, cũng như quỹ hỗ trợ sinh viên khuyết tật. Bộ Giáo dục cũng có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp sinh viên đại học thu nhập thấp, người học tiếng Anh và bảo vệ quyền công dân trong giáo dục.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, chính phủ liên bang đã nỗ lực triển khai một chương trình xóa nợ sinh viên quy mô lớn, nhưng kết quả còn hạn chế. Các đồng minh chủ chốt của ông Trump phản đối các chính sách này, khiến triển vọng duy trì chương trình trở nên mong manh.
Nếu ông Trump tiếp tục thúc đẩy việc đóng cửa Bộ Giáo dục, có thể sẽ xuất hiện sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các chương trình hỗ trợ từ ngân sách công sang mô hình cho vay từ khu vực tư nhân.
Theo Bộ Giáo dục, tổng số nợ vay sinh viên tại Mỹ hiện lên tới hơn 1,5 nghìn tỷ USD, với hơn 43 triệu người đang gánh khoản vay này. Những thay đổi trong chính sách cho vay có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn sinh viên và người vay vốn trên toàn quốc.
Riêng tại bang California, 107.000 sinh viên đã vay tổng cộng 861 triệu USD từ các chương trình liên bang, cùng với hàng nghìn sinh viên khác nhận trợ cấp bổ sung, giải thưởng làm thêm và học bổng liên bang.
Kế hoạch của Trump vẫn vấp phải nhiều rào cản pháp lý và chính trị. Tuy nhiên, nếu được thực hiện, việc đóng cửa Bộ Giáo dục có thể làm thay đổi sâu sắc hệ thống giáo dục Mỹ, đặc biệt trong cách thức phân bổ ngân sách và quản lý các khoản vay sinh viên.
Tham khảo The Converation, Reuters, AP, Yahoo Finance
>> Chiến tranh thương mại thời Trump 2.0: Liệu Mỹ có để thua Trung Quốc chỉ sau 25 ngày?
THẾ GIỚI 24H: ‘Làn sóng sa thải’ bắt đầu ở Mỹ, 200.000 người mất việc trong đợt đầu tiên
Tỷ phú Ray Dalio cảnh báo ông Trump: Cắt giảm nợ ngay nếu không muốn nền kinh tế ‘đột quỵ’