Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mô hình “3 tại chỗ” đang được nhiều đơn vị sản xuất áp dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai trong thực tế đã phát sinh nhiều vấn đề khiến các doanh nghiệp khó có thể thực hiện thành công.
Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương đang tạo áp lực lớn làm tê liệt hoạt động sản xuất tại 19 tỉnh phía Nam. Trước thực trạng này, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) đang được triển khai tại nhiều đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, khi triển khai mô hình này đang làm tăng thêm các khoản chi phí của doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với các ngành nhiều lao động như: dệt may, da giầy thì đây là một thách thức khi phải chuẩn bị đầu tư về các vật tư, công cụ… Dẫn đến doanh nghiệp đang dần “hụt hơi” trước chi phí bỏ ra quá lớn, cộng hưởng với đó là những trở ngại đến từ vận chuyển khó khăn, thiếu nguyên liệu đầu vào, áp lực từ đối tác…
“Với ‘ba tại chỗ’ thì chắc chắn đối với da giầy không thể làm được. Quá trình vừa qua, doanh nghiệp cực kỳ bị động, hầu như tất cả đều phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ địa phương, mà chưa tận dụng được nguồn lực của doanh nghiệp tham gia hoạt động này. Trong thời gian tới, khi chúng ta quay trở lại mở cửa, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa và cho phép doanh nghiệp được tham gia. Phải có sự linh hoạt ở đây, cứ áp một cách khiên cưỡng một mô hình cho tất cả là sẽ thất bại, vì đặc thù của mỗi doanh nghiệp, mỗi một ngành hàng là rất khác nhau”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam chỉ rõ.
Theo các chuyên gia kinh tế, những biện pháp mang tính tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” gặp nhiều thách thức bởi chỉ thích hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và chỉ có thể diễn ra trong 1-2 tuần. Nếu áp dụng lâu dài thì bản thân người lao động không chịu được về mọi mặt. Thêm nữa, với doanh nghiệp, chi phí để áp dụng mô hình này rất lớn. Do đó, với tình hình hiện tại, không có cách nào khác ngoài việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine Covid-19.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong đại dịch cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong cả phòng, chống dịch và trong sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, trong lúc khó khăn do đại dịch là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Với tình trạng đóng cửa kéo dài như thế này chắc nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ không trụ được. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa tham gia phòng, chống dịch vừa có thể đảm bảo được các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cũng nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất trong cả nước chứ không thể nào mỗi địa phương thực hiện một kiểu”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất./.